Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vật lộn với nạn chảy máu chất xám

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sự trở về của những người như Shi, hiện giữ chức trưởng khoa Sinh học tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, đang mở ra hy vọng le lói cho Trung Quốc trong trận chiến gay cấn nhằm chống lại nạn chảy máu chất xám.

KTĐT - Sự trở về của những người như Shi, hiện giữ chức trưởng khoa Sinh học tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, đang mở ra hy vọng le lói cho Trung Quốc trong trận chiến gay cấn nhằm chống lại nạn chảy máu chất xám.

Hai năm trước, nhà sinh học phân tử Shi Yigong nhận được phần thưởng của đại học Princeton với ngân sách nghiên cứu hơn hai triệu USD mỗi năm cùng một tương lai sáng lạn trên đất Mỹ.

Nhưng Shi quyết định trở về quê mẹ sau hai thập kỷ bôn ba ở nước ngoài.

Sự trở về của những người như Shi, hiện giữ chức trưởng khoa Sinh học tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, đang mở ra hy vọng le lói cho Trung Quốc trong trận chiến gay cấn nhằm chống lại nạn chảy máu chất xám.

"Trung Quốc đóng góp một phần đáng kể cho sự tiến bộ của nền khoa học và kỹ thuật tại Mỹ", Shi nói về làn sóng những người ưu tú và giỏi giang nhất của Trung Quốc tìm đường sang Mỹ trong những thập kỷ qua. "Đằng sau những tòa nhà chọc trời gắn kính lấp lánh của Trung Quốc là sự thiết hụt tài năng nghiêm trọng, và đây là điều đáng tiếc", ông nói.

Với mong mỏi trở thành cường quốc khoa học và công nghệ, Trung Quốc nỗ lực ngăn làn sóng này, vốn khởi nguồn từ cách mạng Văn hóa 1966 - 1976. Khi đó, các trường đại học của Trung Quốc phải đóng cửa nhiều năm liền.

Cách mạng văn hóa ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền khoa học cũng như giới học giả Trung Quốc. Sau đó, những người sáng láng nhất Trung Quốc được chính phủ khuyến khích đi du học. Nhiều người đã ở lại, thậm chí nhập tịch tại miền đất mới.

Nhưng Shi cho rằng các viện nghiên cứu đang được hiện đại hóa rất nhanh của Trung Quốc sẽ thu hút các học giả trở về, hay còn được ví von là hút "rùa biển" bơi trở lại bờ.

Tuy vậy, phản ứng của "rùa biển" vẫn còn chậm chạp.

Từ năm 1978 đến 2009, khoảng 1,62 triệu người Trung Quốc ra nước ngoài học nhưng chỉ gần 460.000 người trở về. Năm ngoái, số người trở về lên đến 56% và được cho là nhờ những chính sách hấp dẫn của chính phủ.

Theo một chương trình mà Trung Quốc đang thực thi, những người được tuyển dụng nhận được gần 150.000 USD từ ngân sách chính phủ, ngoài tiền lương từ nơi họ làm việc và một số nguồn phúc lợi khác.

Chính phủ Trung Quốc còn hứa hẹn nhiều chính sách khác hấp dẫn hơn cho các "rùa biển" nhằm thu hẹp khoảng cách về công nghệ với phương Tây.

Một số chuyên gia cho rằng các vấn đề trong giới học giả Trung Quốc vẫn cản trở dòng người trở về. Phổ biến nhất là tình trạng đạo văn, đấu đá nội bộ và vai trò quá lớn của các mối quan hệ.

"Rất nhiều nhà khoa học nhận được các khoản ngân sách lớn dành cho nghiên cứu bởi vì họ thông thạo hệ thống đó", nhà nghiên cứu Rao Yi nói. Ông từ bỏ vị trí nghiên cứu hàng đầu của Đại học Northwestern ở Mỹ để trở về nước làm trưởng khoa Khoa học của Đại học Bắc Kinh năm 2007.

"Rùa biển" còn gặp phải sự phản kháng từ chính các đồng nghiệp Trung Quốc bởi họ cho rằng những kẻ từ nước ngoài về được trả quá hậu hĩnh, Shi cho hay.

Shi và Rao từng viết xã luận trên báo China Daily kêu gọi cải tổ để các trường đại học có thể hoạt động độc lập hơn. Họ nhận được vô số những lời cáo buộc và cả lăng mạ. "Hai năm rưỡi đương đầu với báo chí và cộng đồng mạng vừa qua quả không dễ chịu chút nào", Shi thổ lộ.

Rao, người chuẩn bị từ bỏ quốc tịch Mỹ để nhận lại hộ chiếu Trung Quốc, nói rằng lòng yêu nước chỉ là một phần lý do khiến ông trở lại và nhấn mạnh đến sự trỗi dậy của quốc gia đông dân nhất thế giới.

Tuy nhiên, Rao cho rằng phải nhiều thập kỷ nữa Trung Quốc mới có thể cạnh tranh với phương Tây. "Có thể khoảng 20 năm nữa chúng tôi sẽ làm khá tốt. Nhưng nếu không giải quyết được những vấn đề thuộc về cơ chế, chúng tôi sẽ chẳng tiến xa được mà có lẽ mắc kẹt đâu đó ở giữa mà thôi", ông nói.