Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vất vả làm quen đề thi minh họa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ đề thi minh họa kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 có đến 60% câu hỏi cơ bản. Thế nhưng với nhiều học sinh (HS), để đạt được 5 điểm/môn tựa như… leo dốc trời mưa.

Cho học sinh… “ăn dần”

Phải khẳng định Bộ GD&ĐT đã có nhiều cải tiến theo hướng đổi mới giáo dục. Ngay với việc lần đầu tiên công bố bộ đề thi minh họa, mọi người dễ dàng nhận thấy “động tác” khuyến khích HS tư duy nhiều hơn. Đề thi minh họa cũng cho thấy mức độ phân hóa cao, đặc biệt những môn Hóa học, Vật lý, Tiếng Anh đưa ra những câu hỏi vận dụng thực tế rất khó, xa lạ với HS. Có thể hình dung, với mẫu đề thi này, HS giỏi đạt điểm khá, HS khá đạt điểm trung bình và HS trung bình sẽ bị điểm yếu. 
Học sinh khối 12 trường THPT Việt Đức, quận Hoàn Kiếm trong giờ ôn tập.                                  Ảnh: Công Hùng
Học sinh khối 12 trường THPT Việt Đức, quận Hoàn Kiếm trong giờ ôn tập. Ảnh: Công Hùng
Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng (quận Ba Đình) Nguyễn Tùng Lâm khẳng định: “Đây là đề thi nặng, nên phải cho HS “ăn dần”. Nếu cho làm đề thi minh họa ngay, các em không làm được sẽ nản. Từ nay đến tháng 7 diễn ra kỳ thi, trường sẽ tổ chức vài ba lần thi thử và mỗi lần nâng dần độ khó lên đến yêu cầu của Bộ”. Hiện nay, trường Đinh Tiên Hoàng tổ chức ôn tập 3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh theo từng lớp, các môn tự chọn sẽ theo nhu cầu của HS. Số môn học thi cũng được tăng tiết gấp đôi. 

Từ bộ đề thi minh họa, Ban Giám hiệu trường THPT Anhxtanh phân tích cấu trúc, xem mỗi phần có bao nhiêu câu để lập ma trận đề. Ma trận đề cho biết mỗi phần có bao nhiêu câu dễ, bao nhiêu câu cho HS trung bình, bao nhiêu câu cho HS khá, bao nhiêu câu cho HS giỏi, bao nhiêu câu rất khó. Thầy Đào Tuấn Đạt - phụ trách chuyên môn của trường cho hay: “Nhà trường lập ra hệ thống các câu hỏi lý thuyết và bài tập với nguyên tắc làm sao để các em hoàn thành từng mức độ (nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng nâng cao) thật chắc và cẩn thận. Bởi thực tế, giáo viên và HS hay mắc sai lầm khi thấy câu hỏi dễ thì không để ý mà tiến đến những bài khó. Việc này dẫn đến 2 tình huống là bài dễ lại làm nhầm, bài khó không làm được”. 

Sau khi đã tăng số tiết những môn thi THPT quốc gia lên gấp đôi, trường Anhxtanh chia mỗi lớp làm 2 nhóm, một có học lực khá hơn và một kém hơn. Những em học yếu, không thuộc nhóm nào, phải tổ chức học riêng theo kiểu gia sư một thầy kèm một trò. Đến cuối tháng, trường sẽ tổ chức thi thử giống như thi thật, từ việc gọi thí sinh vào phòng, đánh số báo danh… để các em rút kinh nghiệm về mặt thủ tục, phân bố thời gian làm bài. 

Tăng ôn tập và thi thử

Nhiều chuyên gia cho rằng, với bộ đề thi minh họa, nhiều HS trường ngoài công lập và trung tâm giáo dục thường xuyên không thể đạt được điểm trung bình. Bởi đa phần các em có học lực không tốt, thậm chí bị hổng kiến thức, trong khi đề minh họa có mặt bằng kiến thức rộng, HS phải tư duy, liên hệ thực tiễn nhiều. 

Tại thời điểm này, lãnh đạo nhiều trường đang tìm cách làm chỉ để mong sao HS đỗ được tốt nghiệp. Thầy Nguyễn Văn Hường - Hiệu trưởng trường THPT Trần Phú (huyện Ba Vì) chia sẻ: “Nhà trường đã in, phát cho các em bộ đề thi minh họa của Bộ. Giáo viên và HS đều than rằng đề quá khó, các em tự làm chỉ được 3 - 4 điểm”. Tương tự, chỉ 40% HS lớp 12 trường THPT Đặng Tiến Đông (huyện Chương Mỹ) làm đề thi minh họa đạt điểm trung bình trở lên, còn 60% dưới trung bình. 

Một giải pháp chung được nhiều trường đưa ra là yêu cầu giáo viên bám sát đề minh họa và xây dựng đề các môn có tính chất tương đương với những câu hỏi cơ bản cho HS luyện. Cùng với đó là tăng số tiết học các môn thi bắt buộc và môn tự chọn lên gấp đôi, các môn thi bắt buộc được tổ chức học tập trung theo lớp, môn tự chọn thì bố trí học theo nhu cầu. Kể cả những môn có ít HS chọn thi, nhà trường cũng tổ chức lớp học riêng. Nhiều trường chấp nhận bù lỗ, tăng tiền thù lao để khuyến khích giáo viên dạy nhiệt tình. Các trường cũng liên tục tổ chức thi thử theo mức độ từ dễ đến khó. Thầy Nguyễn Huy Khanh - Hiệu trưởng trường THPT Đặng Tiến Đông cho biết: “Từ khi có đề thi minh họa, chúng tôi đã tổ chức cho các em thi thử 2 lần, từ giờ đến lúc thi quốc gia sẽ có 2 lần thi nữa. Hiện giờ, chúng tôi chỉ hướng dẫn các em biết cách làm bài và ra các dạng đề để tự ôn, còn việc dạy theo kiểu nhồi nhét để lấy kiến thức thì hơi khó, vì các em học kém”.

Có thể nói Bộ ra đề thi theo hướng như vậy là tốt, buộc giáo viên phải thay đổi cách dạy, HS biết vận dụng kiến thức vào làm bài. Tất nhiên, những năm đầu sẽ khó, nhưng không còn cách nào khác, bởi thay đổi cách thi sẽ giúp thay đổi cách dạy và học.