Thực hiện Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23/9/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2016-CP ngày 9/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm, ngày 30/10/2019, Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) đã ban hành văn bản số 8055/NHCS-TDSV về hướng dẫn nghiệp vụ cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Văn bản có hiệu lực từ ngày 8/11/2019.
Cán bộ Ngân hàng CSXH Sóc Sơn đang thực hiện cho người dân trong huyện vay vốn tạo việc làm. Ảnh: Thủy Trúc |
Cơ sở sản xuất kinh doanh, để được vay vốn phải đáp ứng các điều kiện. Theo đó, cơ sở sản xuất được thành lập và hoạt động hợp pháp; có dự án vay vốn khả thi tại địa phương, phù hợp với ngành, nghề sản xuất kinh doanh, duy trì hoặc thu hút thêm lao động vào làm việc ổn định. Dự án vay vốn có xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nơi thực hiện dự án và có bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật (nếu có).
Đối với người lao động (NLĐ), để được vay vốn phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có nhu cầu vay vốn để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, có xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nơi thực hiện dự án và cư trú hợp pháp tại địa phương - nơi thực hiện dự án.
Mức cho vay tối đa với cơ sở sản xuất, kinh doanh là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng cho 1 NLĐ được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; đối với người lao động, mức vay tối đa là 100 triệu đồng. Mức vay cụ thể do Ngân hàng CSXH xem xét căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ sản xuất, kinh doanh, khả năng trả nợ của đối tượng vay vốn để thỏa thuận với đối tượng vay vốn.
Lãi suất cho vay đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, NLĐ bằng lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo (hiện nay là 7,92%/năm). NLĐ là người khuyết tật hoặc người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số (hoặc cả 2) chỉ phải trả mức lãi suất bằng 50% lãi suất thông thường.
Thời hạn cho vay tối đa 120 tháng. Tuy nhiên, thời hạn cho vay cụ thể do Ngân hàng CSXH xem xét căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ sản xuất, kinh doanh, khả năng trả nợ của đối tượng vay vốn để thỏa thuận với đối tượng vay vốn.
Đối với mức vay từ 100 triệu đồng trở lên, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có tài sản bảo đảm tiền vay.
NLĐ có nhu cầu vay vốn viết giấy đề nghị vay vốn, gửi tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) tại địa phương - nơi người vay cư trú để tổ họp kết nạp thành viên và bình xét vay vốn. Nếu đủ điều kiện vay vốn, tổ TK&VV sẽ lập danh sách đề nghị vay vốn, gửi UBND cấp xã xác nhận và gửi hồ sơ cho Ngân hàng CSXH- nơi cho vay. Ngân hàng CSXH sau khi nhận hồ sơ của Tổ TK&VV gửi, thực hiện kiểm tra, thẩm định (tùy nguồn vốn), sau đó trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, ký hợp đồng tín dụng và thông báo giải ngân trực tiếp tới người vay.
Theo quy định, người vay trả lãi hàng tháng, trả nợ gốc theo định kỳ. Đối với cho vay có thời hạn từ 12 tháng trở xuống, thực hiện trả nợ gốc một lần khi đến hạn. Đối với cho vay có thời hạn trên 12 tháng, trả nợ tối đa 6 tháng trả một lần kể từ ngày nhận món vay đầu tiên. Khách hàng vay vốn có thể trả nợ trước hạn.
Thông tin từ Ngân hàng CSXH, trong đợt này, Chi nhánh Ngân CSXH TP Hà Nội được bổ sung 200 tỷ đồng để cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn.
Chi nhánh CSXH TP Hà Nội đã tham mưu Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH TP phân bổ vốn cho 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn toàn TP. Dự kiến trong tháng 11 này, nguồn vốn sẽ được giải ngân.