Về Chi Đông những ngày đầu Xuân, tiếng trống hội vang lên rộn rã, người người nô nức đi xem đấu vật, mới thấy hết ý nghĩa và sức hấp dẫn của môn thể thao truyền thống này.
Hào hứng, sôi nổi
Hàng năm, hội vật truyền thống làng Chi Đông thường được tổ chức vào tháng Giêng Âm lịch. Đến sới vật Chi Đông những ngày này, luôn bắt gặp tiếng cổ vũ reo hò của người dân hòa cùng tiếng trống thúc giòn giã. Giữa sới vật, hai đô vật cường tráng, mình trần, chít khăn xanh, khăn đỏ chăm chú rình miếng nhau, chỉ đợi đối phương sơ hở là lao vào vật ngửa đối thủ. Xung quanh sới vật, người già, trẻ em, thanh niên trai tráng cũng hồi hộp dõi theo diễn biến trận đấu và không quên vỗ tay tán thưởng những miếng vật hay, độc đáo. Có nhiều khán giả không chen chân được cũng chẳng chịu ra về mà đứng từ xa nghe tường thuật các keo vật qua loa phóng thanh.
Ông Nguyễn Ngọc Thuần người có nhiều năm tham gia vào tiểu ban vật Chi Đông cho biết: Năm nào cũng vậy, người dân ở khắp mọi nơi cứ nghe tiếng trống là kéo đến. Đông nhất là ngày cuối cùng của lễ hội diễn ra các trận thi đấu chung kết, người xem đứng chật không có chỗ chen chân.
Năm nay, hội vật Chi Đông thu hút hơn 70 đô vật không riêng là người Chi Đông, mà ở khắp mọi nơi như: Đông Anh, Sóc Sơn (Hà Nội); thị xã Phúc Yên, các huyện Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Yên Lạc, thành phố Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc), tỉnh Phú Thọ,.. cũng về đây tham gia tranh tài. Các thành viên của tiểu ban vật truyền thống làm việc rất công tâm, không thiên vị một ai, kể cả đô vật là người của làng hay ở nơi khác. Chính vì thế nên hội vật truyền thống làng Chi Đông ngày càng thu hút nhiều đô vật đến tranh tài, số người cổ vũ cũng ngày càng đông.
Là đô vật thuộc đội tuyển vật chuyên nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc, anh Nguyễn Thế Cử, nhà ở xã Tiền Châu, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Đây là lần thứ 3 anh tham gia thi đấu tại hội vật truyền thống Chi Đông. Với anh, cảm giác thi đấu tại đây rất khác so với thi đấu chuyên nghiệp, bởi lượng khán giả ở đây rất đông, mọi người cỗ vũ nhiệt tình nên thi đấu rất hào hứng.
Sau 4 ngày thi đấu, Ban tổ chức trao các giải nhất, nhì, ba, nhất là giải anh tài cho những người chiến thắng. Trị giá phần thưởng có thể tăng đến hàng chục triệu đồng, tùy vào nguồn tài trợ. Tuy nhiên, đối với các đô vật, giá trị phần thưởng không quan trọng bằng niềm vui, niềm vinh dự khi được tham gia thi đấu ở sới vật truyền thống với hàng nghìn người cổ vũ.
Riêng với người dân Chi Đông, niềm say mê môn vật như ngấm vào máu. Anh Ngô Văn Hưng, tổ 7, thị trấn Chi Đông không phải là đô vật chuyên nghiệp nhưng yêu thích môn vật truyền thống của quê hương nên cũng đăng ký tham gia thi đấu tại hội vật năm nay. Theo anh Hưng, rèn luyện môn thể thao truyền thống này giúp anh có một cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai và trên hết là lòng dũng cảm, ý chí quyết thắng và tinh thần thượng võ.
Phát huy tinh thần thượng võ
Ông Ngô Văn Súy - Chủ tịch UBND thị trấn Chi Đông cho biết: Hội vật truyền thống của Chi Đông có từ những năm 70 của thế kỷ trước, thu hút rất nhiều đô vật nổi tiếng trong cả nước về thi đấu. Tuy nhiên, sau những năm 80 bị mai một dần. Đến năm 1993, đền chùa Chi Đông được công nhận là di tích lịch sử quốc gia, chính quyền và Nhân dân địa phương khôi phục lại hội vật truyền thống của làng. Từ đó đến nay, năm nào, Chi Đông cũng tổ chức lễ hội truyền thống, với rất nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trong đó đặc sắc và hào hứng nhất là môn vật.
Phong trào luyện tập thể thao, nhất là môn vật rất phát triển, thu hút đông người dân tham gia. Tuy nhiên, sới vật được xây dựng từ nhiều năm trước, với quy mô nhỏ nên không đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của nhân dân và du khách thập phương, do đó, tới đây, chính quyền địa phương có kế hoạch cải tạo, mở rộng sới vật. “Chúng tôi cũng đề nghị huyện cho khôi phục lại lò vật truyền thống của địa phương để phát huy truyền thống, tinh thần thượng võ của người dân qua nhiều thế hệ”, ông Súy nói.
Hội vật truyền thống làng Chi Đông từ lâu đã có sức hấp dẫn đặc biệt và vẫn được gìn giữ đến ngày hôm nay. Dù cuộc sống đã nhiều đổi thay, nhưng những lớp thanh niên trẻ và cả các em thiếu nhi trong làng vẫn say mê với tiếng trống thúc và những miếng vật mỗi khi lên sới. Mỗi năm một lần đến hội, người dân Chi Đông dẫu đi xa về gần vẫn luôn hướng về sới vật quê hương, mong muốn giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống của làng.