Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Venezuela đối phó chiến tranh tiền tệ: Khó khăn chồng chất

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi, Venezuela vốn đang phải đối mặt với sự tụt dốc “không phanh” của nền kinh tế, việc chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro quyết định đổi tiền đã tiếp tục đẩy quốc gia Nam Mỹ này rơi vào cuộc khủng hoảng chưa từng có.

 Người dân Venezuela xếp hàng dài để chờ đến lượt vào mua thực phẩm ở trung tâm siêu thị.

Nếu trước kia, nền kinh tế đã tụt dốc không phanh do giá dầu - nguồn thu nhập chính giảm mạnh… thì nay, do đổi tiền Venezuela lại phải tiếp tục “vùng vẫy” trong “bùn lầy” của khủng hoảng. Chính quyền Venezuela thông báo sẽ dừng lưu hành tờ tiền 100 Bolivar, đồng tiền từng là mệnh giá lớn nhất, nhằm đối phó với “chiến tranh tiền tệ” mà nước này đang phải đối đầu. Trước đó, khoảng 300 triệu đồng Bolivard đã được một số kẻ đầu cơ, băng đảng tội phạm Colombia và Brazil thu gom nhằm đổ vào Venezuela gây lũng đoạn nền kinh tế. Tuy nhiên, kế hoạch này đã gây ra tình trạng thiếu hụt trầm trọng về tiền mặt, đồng thời tiếp tục gây ảnh hưởng tới “làn sóng” bất ổn vốn đã “hiện diện” trên khắp cả nước này một thời gian dài, với hàng loạt vụ cướp bóc tại các cửa hàng, bạo loạn phản đối chính phủ. Tổng thống Maduro đã phải đóng cửa biên giới với Brazil và Colombia tới ngày 2/1, nhằm ngăn chặn các nhóm mafia tuồn nguồn tiền mệnh giá 100 Bolivar vào nước này.

Sự thiếu hụt tiền mặt do đồng tiền mới chưa được lưu thông, trong khi tiền 100 Bolivar bị ngừng sử dụng đã khiến nhiều người dân Venezuela không có tiền để mua lương thực, xăng hay chuẩn bị cho lễ Giáng sinh sắp tới. Kinh tế khủng hoảng, vật giá leo thang… còn khiến nhiều gia đình ở Venezuela “cắn răng” đem con đi cho, vì không thể nuôi nổi. Theo các tổ chức phúc lợi xã hội, với mức lương tối thiểu giảm xuống dưới 50 USD/tháng, số lượng các gia đình phải đem con đi cho người thân, chính phủ hay các tổ chức từ thiện đã tăng lên đáng kể. Bên cạnh đó, khi các biện pháp kế hoạch hóa gia đình truyền thống trở nên khan hiếm, một số phụ nữ trẻ tại Venezuela phải chọn phương pháp triệt sản vì không muốn đối mặt với những khó khăn khi mang thai hay sinh con.

Theo Phòng Nghiên cứu toàn cầu của Bank of America Merrill Lynch, Venezuela nằm trong danh sách những quốc gia mà giới đầu tư được cảnh báo là phải cẩn trọng do nguy cơ từ khủng hoảng nợ. Trong tình hình này, rất có thể Trung Quốc cùng một số quốc gia khác là “chủ nợ” của Venezuela sẽ áp dụng những biện pháp quản lý ngoại hối. Là một trong những nước sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới, dầu mỏ chiếm 95% tổng kim ngạch xuất khẩu của Venezuela. Tuy nhiên, đó là thời điểm trước khi đất nước Nam Mỹ này rơi vào khủng hoảng kinh tế với mức lạm phát lên tới 475% theo dự báo của Ngân hàng Thế giới. Giới phân tích nhận định, chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro sẽ gây ra lạm phát với việc in đồng tiền mới, trong nỗ lực hoàn trả tiền nợ cho các nước. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), mức lạm phát của Venezuela dự kiến sẽ tăng vọt lên đến 2.200% vào năm tới và nền kinh tế sẽ giảm thêm 10%.

Tại thủ đô Caracas, không khí Giáng sinh rất ảm đạm, không trang hoàng, không lễ hội, các ban nhạc truyền thống Gaita vắng bóng trên đường phố. Các cửa hàng bán đồ lưu niệm Giáng sinh hầu như đóng cửa… cho thấy tình trạng khủng hoảng kinh tế của đất nước Nam Mỹ này sẽ tiếp tục kéo dài. Chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro đang đối mặt với nhiều áp lực ở bên trong và từ bên ngoài lãnh thổ và việc phải thay đổi chỉ còn là vấn đề thời gian. Trên thực tế, cuộc “cuộc chiến tiền tệ” ở khu vực biên giới, tạo nên tình trạng khan hiếm tiền mặt ở Venezuela được cho là âm mưu của phe cánh hữu và các băng đảng tội phạm Brazil và Colombia. Vì thế, các nhà phân tích dự báo, Venezuela sẽ là một trong những điểm nóng về chính trị và kinh tế trong năm 2017 với những biến chuyển rất khó dự đoán.