Thế nhưng, buổi lễ tổng kết phần nào bị ảnh hưởng bởi vết gợn mang tên bạo lực sân cỏ.
Trong trận chung kết Cúp Quốc gia, B.Bình Dương là đội bóng giành chiến thắng. Họ mạnh hơn hẳn đối thủ và chơi thứ bóng đá lấn lướt. Sự lấn lướt này xuất phát từ yếu tố chủ quan. Bình Dương khao khát danh hiệu hơn đối thủ nên giành chiến thắng. Ở chiều ngược lại, giới chuyên môn không nhận thấy ở Hà Nội T&T một quyết tâm rực lửa. Họ đá bóng một cách hời hợt và dễ dàng chấp nhận đầu hàng trước áp lực của đối phương.
Một chức vô địch vô cùng thuyết phục cho B.Bình Dương. Nhưng, chức vô địch đó đã bị phủ bóng đen bởi pha vào bóng thô bạo của trung vệ Dương Thanh Hào đối với tiền đạo Abass của Bình Dương. Ngay lập tức, Abass được chuyển đến bệnh viện với chẩn đoán... gẫy chân.
Với pha chấn thương quá nặng, Abass sẽ mất khoảng 6 tháng mới hồi phục. Cầu thủ đắt giá nhất V.League đang đối diện với nguy cơ không thể dự mùa giải tới, và đó là tổn thất vô cùng lớn với Bình Dương. Ngọn lửa giận dữ từ dư luận mới tạm thời lắng xuống sau pha vào bóng thô bạo của Quế Ngọc Hải lại bùng phát trở lại. Dư luận chỉ trích một nền bóng đá đậm chất bạo lực. Người ta cũng chĩa mũi dùi vào Ban tổ chức giải, đơn vị được cho là bất lực trong việc kiến tạo một nền bóng đá đẹp.
Cơn bão của dư luận đang lớn hơn bao giờ hết. Nhiều người thậm chí không cần xem lại bản chất của pha phạm lỗi đã yêu cầu phải gạch tên Thanh Hào ra khỏi đội tuyển quốc gia và cấm cầu thủ này thi đấu dài hạn. Có cảm giác, dư luận vốn dị ứng với bạo lực nên mất luôn niềm tin vào cách hành xử của người trong cuộc. Thế mới có chuyện, hình ảnh Thanh Hào bật khóc trên sân, vào tận bệnh viện thăm Abass bị cho là diễn kịch, đạo đức giả. Người ta cũng không cần xem lại trong quá khứ, cầu thủ của Hà Nội T&T có tôn thờ lối đá kiểu chém đinh chặt sắt hay không.
Sự phản ứng có phần tiêu cực của một bộ phận dư luận là do cuộc khủng hoảng niềm tin đang hiện hữu ở nền bóng đá. Ở đó, người ta có thể phán xét tất cả mà không cần tìm hiểu bản chất vấn đề. Các chuyên gia cho rằng, trong pha phạm lỗi vừa rồi, Thanh Hào đã mắc lỗi chuyên môn khi tung chân phá bóng khi thất thế về tốc độ. Abass không may khi lấy người che bóng và sau đó bị đôi chân đã mất kiểm soát của Thanh Hào quật đổ. Các nhà chuyên môn nói rằng, Thanh Hào không cố ý vì chân để rất thấp và không nhằm hạ gục đối phương. Ngay sau tình huống này, Abass, dù đang đau khổ tột cùng do chấn thương nặng cũng tuyên bố không trách Thanh Hào bởi anh hiểu mình vướng phải tai nạn đáng tiếc chứ không phải đối phương cố tình triệt hạ.
Người bị hại thanh minh cho kẻ mắc lỗi, đó là điều hiếm ở bóng đá Việt Nam. Nhưng, nó lại cho thấy một điều, những cầu thủ chuyên nghiệp luôn có mức cư xử đúng và họ không để những nhận thức mơ hồ dắt lối nhận thức. Nó khác hẳn với một bộ phận dư luận đang mắc căn bệnh trầm kha là “phủ định và bôi đen” mọi việc. Và với một lăng kính méo mó như vậy, bóng đá Việt Nam rất dễ bị tổn thương, thậm chí là tự làm giảm đi giá trị của mình.
Các cầu thủ B.Bình Dương tại lễ nhận cúp vô địch.
|