Nhưng từ trước tới nay rất hiếm khi xảy ra chuyện cảnh sát da trắng bị chủ ý tấn công và bắn chết như trong thời gian vừa qua.
Từ lâu, luật pháp ở Mỹ đã cấm việc phân biệt đối xử theo sắc tộc và màu da. Nhưng rõ ràng là trên thực tế sự phân biệt đối xử này vẫn còn khá phổ biến. Nó không chỉ vẫn là vết thương trên cơ thể và trong tâm hồn của nước Mỹ mà còn như là quả bom nổ chậm thỉnh thoảng vẫn kích nổ gây chấn động cả xã hội. Sau nhiều thập kỷ từ khi luật pháp cấm phân biệt chủng tộc, vết thương này vẫn chưa lành vì nó rất khó có thể lành. Nền chính trị, thể chế tổ chức nhà nước và cả luật pháp hiện hành ở nước Mỹ làm cho nó đến nay không được lành và cả trong tương lai cũng vẫn không thể lành. Sự phân hóa về văn hóa, sắc tộc và màu da ở Mỹ tiếp tục trầm trọng và sâu sắc thêm chứ không thuyên giảm đi. Nước Mỹ đã có Tổng thống da màu đầu tiên và thậm chí còn gốc châu Phi là ông Barack Obama nhưng cả điều này cũng không giúp khắc phục sự phân hóa đó. Trong 2 nhiệm kỳ cầm quyền ở Mỹ, ông Obama đã thất bại trong việc khắc phục sự đối kháng về văn hóa, sắc tộc và màu da ở nước Mỹ. Kế nhiệm ông Obama tới đây là ông Donald Trump thuộc đảng Cộng hòa hoặc bà Hillary Clinton thuộc đảng Dân chủ. Sự xung khắc đầy bạo lực giữa cảnh sát da trắng và người da đen ở Mỹ tác động rất mạnh mẽ tới cuộc vận động tranh cử của họ. Nhưng cả hai người này cho đến thời điểm hiện tại đều chưa bộc lộ khả năng thực sự và ý tưởng chính sách khả thi có thể giải quyết được vấn đề phân biệt đối xử theo sắc tộc và màu da ở Mỹ. Dù ai trong hai người này rồi đây lên cầm quyền ở Mỹ thì vết thương kia vẫn sẽ còn tiếp tục rỉ máu và vẫn sẽ còn làm cho nước Mỹ náo động và bạo lực.