Khang trang nhưng ế khách
Chợ Cửa Nam trước kia vốn là nơi cung cấp nhu yếu phẩm cho cư dân khu vực quận Hoàn Kiếm. Năm 2007, chợ được xây dựng lại theo mô hình TTTM - chợ. Thế nhưng sau khi hoàn thành, đi vào sử dụng lại vắng khách, tại đây chỉ có duy nhất một siêu thị nhỏ, không có bất cứ một tiểu thương nào ngồi bán hàng.
Không chỉ có chợ Cửa Nam sau khi cải tạo mới lâm vào tình trạng này mà hầu hết các chợ sau khi cải tạo theo mô hình chợ - TTTM như chợ Hàng Da, Ô Chợ Dừa… cũng lâm vào tình trạng tương tự. Tháng 10/2010, TTTM - chợ Hàng Da sau khi được cải tạo, đi vào hoạt động có khoảng 500 tiểu thương đăng ký tham gia, song đến nay còn chưa tới 100 tiểu thương tiếp tục kinh doanh. Các ki - ốt ở tầng 1 tuy đều đã được cho thuê nhưng số mở cửa chỉ chiếm khoảng 30%, còn lại phần lớn là các tấm biển "bán và cho thuê ki - ốt".
Trung tâm thương mại - Chợ Cửa Nam được xây dựng khang trang nhưng rất vắng khách. Ảnh: Thanh Hải
TTTM - chợ Ô Chợ Dừa được xây dựng với 7 tầng thay thế chợ Ô Chợ Dừa đã đi vào hoạt động từ năm 2007, nhưng hoạt động của trung tâm này ngày càng trở nên èo uột, các ki ốt lần lượt đóng cửa và căng biển "cho thuê". Đến nay, nhiều người chỉ biết ở góc đường La Thành có một quán Karaoke thay thế cho chợ Ô Chợ Dừa vốn sầm uất trước kia...
Đâu là nguyên nhân?
Thiết kế chợ chưa phù hợp, cộng với việc chuyển đổi mô hình đầu tư, quản lý còn nhiều bất cập là nguyên nhân dẫn đến việc chợ - TTTM hoạt động không hiệu quả. Đó là ý kiến của các đại biểu tại cuộc họp đánh giá tình hình quản lý và đầu tư xây dựng chợ trên địa bàn TP Hà Nội do UBND TP Hà Nội vừa tổ chức.
Ông Lâm Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, phân tích: Chợ Hàng Da có 5 tầng nhưng chỉ có 1 tầng hầm gửi xe. Việc trông giữ xe ở đây lại không được kiểm soát chặt chẽ, cứ xe máy vào là thu 5.000 đồng nên người dân ngại vào chợ.
Ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, TTTM Ô Chợ Dừa ế ẩm là do chủ đầu tư đã làm sai thiết kế khi bố trí khu vực để xe ở tầng hầm với lối xuống dốc, nên không khuyến khích người dân vào mua sắm.
Chợ Hàng Da “đìu hiu” sau khi chuyển đổi mô hình.
Một lý do khiến các tiểu thương kinh doanh không hiệu quả là giá thuê sạp quá cao, khiến chi phí tăng. Báo cáo của Sở Công Thương cho thấy, sau khi chuyển đổi mô hình, các tiểu thương phải đóng tiền thuê địa điểm kinh doanh cao gấp 3 - 5 lần so với trước. Hơn nữa, việc chuyển đổi chợ được giao cho doanh nghiệp, khi đó quyền tăng giá là của doanh nghiệp, trong khi người dân chỉ tin vào mô hình chuyển đổi do Nhà nước quản lý như chợ Đồng Xuân, hay chợ Hà Đông. Ngoài ra, khi xây dựng chợ - TTTM, cơ quan chức năng chưa tính đến thói quen cũng như tâm lý mua sắm của người dân cộng với năng lực kinh nghiệm quản lý, khai thác chợ của một số nhà đầu tư hạn chế nên không thu hút được tiểu thương tham gia kinh doanh.
Tại Hội thảo "Chợ dân sinh trong thành phố của các tập đoàn" vừa tổ chức, các chuyên gia Tổ chức Health Bridge (Canada) đánh giá: Phần lớn các chợ mới được thiết kế nhằm mục đích trở thành TTTM, khiến cho chợ dân sinh không được bảo vệ và đánh giá đúng vai trò. Trong khi chợ dân sinh tại Hà Nội không chỉ là nơi mua bán của người có thu nhập thấp, mà còn là nơi lưu giữ nhiều giá trị tinh thần là một phần của bản sắc văn hóa và lịch sử của Thành phố.
Nhằm phát triển hệ thống chợ và TTTM, Sở Công Thương Hà Nội đề xuất, để xã hội hóa nguồn vốn đầu tư xây dựng chợ, TP nên có cơ chế miễn tiền sử dụng đất đối với phần diện tích bố trí chợ dân sinh, từ đó giảm tiền thuê địa điểm kinh doanh cho các hộ kinh doanh chợ. Sở Xây dựng cần đưa ra tiêu chuẩn thiết kế công trình hỗn hợp chợ - TTTM, bởi hiện chưa có mô hình thiết kế phù hợp cho loại hình này.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho rằng: Thiết kế dành cho chợ truyền thống trong các TTTM vẫn chưa thực sự hợp lý. Chợ dân sinh có quy mô và vị trí quá khiêm tốn so với TTTM và đang bị lấn át. Nhằm hạn chế những bất cập này, Sở Xây dựng Hà Nội phải đưa ra được mô hình thiết kế chung theo hướng kết hợp giữa thương mại hiện đại nhưng vẫn phải giữ được giá trị chợ truyền thống. Bên cạnh đó, các ngành phải kiên quyết dẹp chợ cóc, chợ tạm, việc làm này không chỉ đảm bảo văn minh thương mại mà còn có tác dụng thu hút người tiêu dùng mua sắm tại chợ.
Kiến trúc sư Nguyễn Văn Dũng Viện Kiến trúc - Quy hoạch đô thị và nông thôn: Bảo tồn một số chợ truyền thống
Hà Nội nên lựa chọn một số chợ có không gian, kiến trúc mang giá trị văn hóa, lịch sử để bảo tồn và tạo điều kiện phát triển. Ví dụ chợ Đồng Xuân sau khi cải tạo lại do vẫn giữ những nét đặc trưng nên hiệu quả kinh doanh đạt hiệu quả tốt. Việc một số chợ được cải tạo lại và xây dựng với quy mô quá lớn là hướng giải quyết không hợp lý. Nên có biện pháp hạ ngầm để tăng diện tích phục vụ, không làm ảnh hưởng đến không gian kiến trúc.
|