Chủ đề của hội nghị năm nay là “Vì một thập niên phát triển bền vững hơn”. Mục tiêu của hội nghị nhằm cung cấp thông tin cập nhật về định hướng, kế hoạch, chương trình và sáng kiến nổi bật mà Chính phủ Việt Nam, các bộ ban ngành, địa phương, và các tổ chức quốc tế đang triển khai nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng đến phát triển bền vững.
Theo đó, trong buổi sáng 12/9 diễn ra 3 hội thảo chuyên đề. Nội dung chính của các hội thảo này là những chủ đề trọng điểm được quan tâm hiện nay, đó là: Nhân rộng ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, sử dụng tối ưu và hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên, nguyên vật liệu, sản phẩm và giá trị được tạo ra từ chúng, giảm thiểu thất thoát và lãng phí cho nền kinh tế; Thúc đẩy mô hình đối tác công tư giúp tăng năng suất và sử dụng các nguồn lực sẵn có một cách hiệu quả hơn, tối đa hóa giá trị nguồn đầu tư, hạn chế rủi ro và thúc đẩy sáng tạo trong trong thiết kế, thi công, kinh doanh và quản lý; Xây dựng nguồn vốn nhân lực trong thời đại mới và vai trò của Chỉ số Vốn con người, sự tham gia, điều phối của các chính phủ trong việc nâng cấp, cải thiện hạ tầng xã hội nhằm đầu tư hiệu quả hơn vào xây dựng nguồn vốn nhân lực trong dài hạn.
Những chia sẻ từ các bộ, ban ngành cấp trung ương; đại diện cơ quan quản lý cấp địa phương; đại diện các tổ chức quốc tế; những sáng kiến từ các doanh nghiệp tiêu biểu cùng sự đối thoại cởi mở với đại diện doanh nghiệp sẽ mở ra những lời giải cho các vấn đề hiện nay cũng như những kiến nghị về chính sách hữu ích cho Chính phủ.
Theo dự kiến, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự chủ trì phiên toàn thể của hội nghị diễn ra vào chiều 12/9.
Sau phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có lễ ký cam kết của cộng đồng doanh nghiệp hướng tới nền kinh tế tuần hoàn (các sáng kiến giải quyết thách thức từ rác thải nhựa của cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam và thế giới); Cam kết thực hiện phong trào Năng suất do Thủ tướng Chính phủ phát động ngày 7/8/2019…
Là năm bản lề cho thập niên 2020-2030, năm 2019 được kỳ vọng là thời điểm Việt Nam thừa hưởng những thuận lợi từ kết quả phát triển kinh tế ấn tượng đạt được trong các năm trước, đồng thời tận dụng lợi thế từ nhiều hiệp định thương mại tự do đã và sẽ có hiệu lực trong giai đoạn sắp tới, nhằm bứt tốc cùng các quốc gia trên thế giới hoàn thành Chương trình Nghị sự 2030 vì sự Phát triển bền vững.