Vi phạm của Công ty Chùa Hương Xanh: Vì sao chưa xử lý?

Minh Tường - Phương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 6/2, Báo Kinh tế & Đô thị có bài viết: “Thí điểm xe khách điện tại chùa Hương: Cần những điều chỉnh phù hợp”, phản ánh việc Công ty Chùa Hương Xanh tự ý tăng hơn gấp đôi lượng xe điện bốn bánh chở khách tại khu di tích, thắng cảnh chùa Hương (huyện Mỹ Đức).

Sở GTVT Hà Nội đã yêu cầu kiểm tra, xử lý vi phạm nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin cụ thể.

Hành khách đi xe điện vào khu di tích chùa Hương. Ảnh: Lê Khánh
Hành khách đi xe điện vào khu di tích chùa Hương. Ảnh: Lê Khánh

“Vượt rào” cho tăng xe

Như đã phản ánh, tháng 1 vừa qua, Công ty Chùa Hương Xanh được UBND TP Hà Nội phê duyệt cho phép đưa 50 xe điện bốn bánh vào thí điểm hoạt động phục vụ vận chuyển khách tham quan tại khu di tích thắng cảnh chùa Hương. Tuy nhiên, đơn vị này đã đưa vào khai thác 110 xe, bất chấp việc chưa có thẩm định năng lực hạ tầng và phê duyệt kế hoạch tổ chức hoạt động của UBND TP Hà Nội.

Điều đáng nói hơn, Trưởng ban Quản lý khu di tích thắng cảnh Hương Sơn Nguyễn Bá Hiển còn khẳng định chính Ban Tổ chức lễ hội đã yêu cầu Công ty Chùa Hương Xanh tăng xe, dù không đưa ra văn bản chính thức nào về việc này. Liên quan đến vấn đề này, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Tuyển cho biết, việc tăng số lượng xe điện bốn bánh thí điểm vận chuyển khách tại chùa Hương thuộc thẩm quyền của UBND TP Hà Nội. Sở GTVT Hà Nội chưa nhận được thông tin về việc tăng xe từ phía địa phương, cũng chưa tham mưu cho UBND TP chấp thuận việc tăng xe; địa phương tự ý yêu cầu tăng số lượng xe điện là sai quy định.

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội đã yêu cầu Thanh tra GTVT phối hợp với UBND huyện Mỹ Đức, Công an TP kiểm tra, xử lý vi phạm (nếu có) của xe điện bốn bánh thí điểm hoạt động tại chùa Hương, tổng hợp kết quả báo cáo Giám đốc Sở GTVT trước ngày 15/2. Yêu cầu Công ty Chùa Hương Xanh xây dựng phương án kinh doanh, đảm bảo ATGT phù hợp, báo cáo với cơ quan chức năng. Tuy nhiên đến nay Sở GTVT Hà Nội vẫn chưa thông tin về việc kiểm tra, xử lý vi phạm nêu trên.

Trong khi đó, sau bài viết phản ánh của Kinh tế & Đô thị, ngày 7/2, lãnh đạo UBND huyện Mỹ Đức mới có Tờ trình số 159/TTr - UBND gửi UBND TP Hà Nội về việc đề nghị tăng thêm số lượng xe bốn bánh chạy điện phục vụ vận chuyển hành khách tại quần thể di tích thắng cảnh chùa Hương và vẫn chưa được TP chấp thuận.

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung nói: “Việc thí điểm 50 xe so với 110 xe trên cùng một phạm vi là hoàn toàn khác biệt. Nếu có đủ điều kiện cho thí điểm 110 xe thì UBND TP Hà Nội đã chấp thuận ngay từ đầu chứ không phải đợi địa phương “vượt rào” vừa làm vừa hợp thức”.

Tạo tiền lệ xấu

Xe điện bốn bánh vận chuyển hành khách là một loại hình hiện đại, văn minh, có nhiều ưu điểm phù hợp với các khu di tích, thắng cảnh, du lịch… Việc thí điểm xe điện chở khách tại chùa Hương trong mùa Lễ hội Xuân 2023 là rất đáng hoan nghênh và ghi nhận. Tuy nhiên, xe điện bốn bánh cũng là một loại hình đặc thù, còn mới và chưa thể lường hết những vấn đề có thể nảy sinh.

Chính vì vậy nên từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ chỉ cho phép 13 địa phương thí điểm xe điện bốn bánh chở khách tại các khu du lịch, di tích, trong đó có Hà Nội. Việc quản lý phương tiện, xây dựng kế hoạch vận hành của xe điện bốn bánh cần được làm rất chặt chẽ, nếu không sẽ gây bùng nổ một loại hình xe “dù” mới, dẫn đến những hệ lụy khó lường cho các địa phương.

Ông Vũ Hoàng Chung phân tích: “Công ty Chùa Hương Xanh tự tăng hơn gấp đôi xe điện so với phương án được duyệt sẽ tạo tiền lệ xấu cho Hà Nội. Sẽ ra sao nếu nhiều khu du lịch, di tích, thắng cảnh cùng ồ ạt mua xe điện về “chạy trước, trình sau”?”. Mặt khác, để xe điện có thể hoạt động hoạt động hiệu quả, phải tổ chức giao thông theo xu hướng khoanh vùng, hạn chế xe ô tô du lịch, xe cá nhân, rất dễ gây nên tâm lý lo ngại của người dân khi buộc phải đi xe điện chưa được cấp phép.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Phó Giám đốc điều hành Công ty Chùa Hương Xanh Lê Tiến Thanh cho biết, kế hoạch đưa xe điện bốn bánh vào thí điểm chở khách tại khu vực này đã được đơn vị xây dựng từ trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Sau hai năm không thể triển khai được do dịch bệnh, hoạt động du lịch tạm ngừng, đến nay vẫn một kịch bản đó được trình lên UBND TP xem xét, DN không lường được nhu cầu đi lại của du khách, không có sự chuẩn bị tốt nhất. Thậm chí đại đa số xe điện bốn bánh mà Công ty Chùa Hương Xanh đang sử dụng chở khách là do các đối tác liên doanh, liên kết đưa từ Hải Phòng, Thanh Hóa về, xe đầu tư tại chỗ chỉ hơn 10 chiếc.

Liên quan đến vấn đề an toàn kỹ thuật của 60 xe “ngoài luồng” Công ty Chùa Hương Xanh đưa vào hoạt động, Sở GTVT Hà Nội cũng chưa có câu trả lời cụ thể liệu đã thẩm định hay chưa?