Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao Đà Nẵng chịu trận ngập lịch sử?

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Với lượng mưa lớn như vậy thì bất kỳ đô thị nào cũng phải ngập, chứ không riêng gì Đà Nẵng. Cũng có thể hệ thống cống thoát nước chưa làm hết chức năng của mình khiến Đà Nẵng ngập nặng". Đó là chia sẻ của KTS Hoàng Quang Huy - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị TP Đà Nẵng.

Đâu là nguyên nhân?

Cơn mưa lớn từ đêm 8/12 khiến Đà Nẵng ngập cục bộ nhiều tuyến đường, nhiều khu vực vào ngày 9/12, có nơi ngập rất sâu khiến giao thông tê liệt, thiệt hại lớn về hoạt động kinh doanh buôn bán, đặc biệt hàng trăm xe ô tô bị ngâm trong nước.
Đà Nẵng vừa trải qua trận ngập lịch sử
Chứng kiến trận ngập lịch sử của Đà Nẵng, nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao một TP biển, lại có con sông Hàn chảy giữa lòng TP mà ngập đến mức kinh hoàng như thế? Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, KTS Hoàng Quang Huy - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị TP Đà Nẵng cho rằng có 2 nguyên nhân chính.
Thứ nhất liên quan đến chức năng thoát nước của hệ thống thoát nước TP Đà Nẵng. “Trước hết phải thấy rằng trận mưa vừa rồi rất lớn, nước mưa chảy tràn thì không bao giờ theo các đường cống thu gom nước thoát ra được. Nếu nước có vào cống thì không biết các cống thoát nước trên địa bàn TP Đà Nẵng có được nạo vét thường xuyên hay không. Chắc chắc sẽ có đất cát, rác thải đọng lại trong các cống thoát nước nên khả năng hệ thống cống thoát nước không làm hết chức năng của mình”, KTS Hoàng Quang Huy nhận định.
Nguyên nhân thứ hai là vì lượng mưa quá lớn trong một thời điểm nên Đà Nẵng ngập là tất yếu. “Đợt vừa rồi, mưa rất lớn từ Nghệ An và Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Đô thị nào cũng bị đọng, ứ nước. Đà Nẵng ngập ứ lên là chuyện đương nhiên bởi lượng mưa quá lớn trong một thời điểm”, KTS Hoàng Quang Huy khẳng định.
Cũng theo KTS Huy, hiện nay do biến đổi khí hậu toàn cầu, tất cả các đô thị trên thế giới đều bị ảnh hưởng, đặc biệt là đối với Việt Nam chịu nặng nề. Cho nên, người dân phải hiểu thiên tai và thông cảm với chính quyền TP.
Theo thông tin của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ, khu vực TP Đà Nẵng có mưa rất to với lượng mưa đo được từ 3h - 7h sáng 9/12 phổ biến từ 300 - 400mm. Tại huyện Hòa Vang, lượng mưa phổ biến từ 70 - 150mm. Đặc biệt, lượng mưa đo được tại trạm quan trắc đường Trưng Nữ Vương lên đến 436,6mm. Lượng mưa đã vượt quá khả năng thoát nước của hệ thống mương, cống hiện có nên một loạt các tuyến đường ở khu vực trung tâm TP Đà Nẵng như quận Hải Châu, Thanh Khê bị ngập nước nghiêm trọng.
Đường phố Đà Nẵng biến thành sông trong trận ngập vừa qua.
Trong khi đó, một kỹ sư xây dựng ở Đà Nẵng (xin giấu tên) chia sẻ, mấu chốt vẫn là quy hoạch, đô thị hóa quá nhanh, thiếu bền vững khiến đô thị Đà Nẵng không còn công viên, ao hồ thì ngập là điều khó tránh khỏi. Cho dù có xây hệ thống cống cho thật to, nạo vét sông cho thật sâu, nếu mưa lớn, gặp đỉnh triều cường thì cũng khó có thể thoát nước nhanh được vì khi đó phụ thuộc vào mực nước dâng của thủy triều.
Hệ thống cống thoát nước được thiết kế rất lớn
Đặt câu hỏi: Phải chăng các hệ thống nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng phát triển quá nhanh đã gây ảnh hưởng đến việc thoát nước của Đà Nẵng? KTS Hoàng Quang Huy cho rằng: “Không đúng, bởi Đà Nẵng quản lý rất chặt chẽ việc xây dựng các nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng ven biển, ven sông. Hơn nữa, các đơn vị này hầu hết có ý thức giữ gìn hệ thống thoát nước của mình cũng như TP”.
Có ý kiến nói rằng con đường 2 Tháng 9 chặn các dòng chảy từ trung tâm nên nước không đổ xuống sông Hàn được. Về giả thuyết này, KTS Hoàng Quang Huy cho biết: “Tôi cũng khẳng định không đúng. Bởi vì nước tràn chỉ là một phần thôi, còn nước cống vẫn có các hệ thống mương cống được thiết kế rất lớn. Thời tôi còn làm Viện trưởng Viện quy hoạch Đà Nẵng đã chỉ đạo anh em thiết kế hệ thống mương cống thoát nước ra sông Hàn rất rộng, người có thể đi lại bình thường dưới đó được”.
Trước mắt cần nạo vét các lòng hồ điều tiết
Về giải pháp khắc phục tình trạng ngập cho TP Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam kiến nghị: “Lãnh đạo TP Đà Nẵng cần có một nguồn kinh phí để nạo vét các lòng hồ điều tiết như: Thạc Gián, Vĩnh Trung…, kể cả sông Hàn và sông Cu Đê. Bởi lẽ, đất, cát trên các gò đồi, từ các đơn vị thi công xả ra thì chắc chắn các lòng hồ, con sông bị bồi lắng. Rất cần phải nạo vét. Các hệ thống sông, kênh, hồ cần phải nạo vét để đảm bảo chức năng điều tiết. Nếu nước nhiều quá, phải có những sông, hồ này chứa bớt để khỏi dâng lên”.

Cũng theo KTS Hoàng Quang Huy, nếu khơi thông được các sông, hồ điều tiết thì sẽ kéo được cát, đất từ các cống thoát nước nên tự nó sẽ thông được một phần. Còn về lâu dài, nhiều ý kiến cho rằng Đà Nẵng cần sử dụng các khu đất trống hiện có ở trung tâm làm công viên, hồ điều tiết, tạo không gian xanh.