Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao đại học Việt khó thu hút sinh viên ngoại?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bên lề diễn đàn Đối thoại chính sách ASEAN và Việt Nam tăng cường dịch chuyển sinh viên (SV) quốc tế diễn ra ngày 8 và 9/6, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, Việt Nam phải rất nỗ lực mới thu hút được nhiều SV nước ngoài đến học tập.

Vì sao đại học Việt khó thu hút sinh viên ngoại? - Ảnh 1Thưa ông, sự dịch chuyển SV ở Việt Nam hiện nay thế nào?

- Hiện nay, số lượng SV Việt Nam đi du học nước ngoài là 130.000, trong khi chỉ có 20.000 SV nước ngoài đến Việt Nam học. Vì mất cân bằng, nên Việt Nam đang nỗ lực để thu hút ngày càng nhiều hơn SV các nước đến học, đặc biệt là khối ASEAN. Chúng ta đã chuẩn bị, áp dụng 34 chương trình tiên tiến tại một số trường đại học (ĐH) dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh; các chương trình chất lượng cao Việt Nam được mở tại một số trường ĐH quốc tế như Việt Đức, Việt Nhật, Việt Pháp và Viện Nghiên cứu đào tạo Việt Nam.

Cùng với đó, dự án Hỗ trợ giáo dục ĐH tại khu vực Đông Nam Á (SHARE) của Liên minh châu Âu giúp các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, nhằm tạo điều kiện cho sự dịch chuyển SV giữa các nước. Việc này hỗ trợ cho chúng ta hội nhập quốc tế, nhất là khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN vừa hình thành. Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện dự thảo để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khung trình độ quốc gia – thước đo chung trình độ năng lực – tương ứng với các nước ASEAN. Với khung trình độ này, khi học sinh đạt được năng lực nào đó chính là tiêu chí chung của các nước ASEAN cũng như dịch chuyển lao động giữa các nước trong khối.

Muốn SV nước ngoài đến Việt Nam học ngày càng nhiều, việc công nhận văn bằng giữa các nước trong khu vực sẽ thế nào, thưa ông?

- Khung trình độ quốc gia được ban hành dựa vào khung tham chiếu châu Âu, có nghĩa tất cả các nước cùng một khung trình độ kiến thức kỹ năng và trách nhiệm giải trình đối với công việc. Khi các nước có khung trình độ chung sẽ công nhận văn bằng và tín chỉ lẫn nhau để các trường ĐH trao đổi SV dễ hơn. Chúng ta chủ yếu thu hút SV có thời gian đào tạo dài hạn đến học toàn khối chương trình hay một số tín chỉ. Nhưng trước đó, giữa các nước phải có hiệp định công nhận văn bằng, tín chỉ của nhau.

Trong sự dịch chuyển SV giữa các nước, điều lo ngại nhất là chất lượng đào tạo của người lao động Việt Nam có thể thua ngay trên sân nhà?

 - Việt Nam đã thấy điều đó, nên từ năm 2010 trong hệ thống giáo dục quốc dân đã dạy các trình độ ngoại ngữ, cũng như chuẩn bị các điều kiện để hội nhập ASEAN và quốc tế. Hiện nay, các trường đổi mới chương trình đào tạo phù hợp với nước ngoài và công bố chuẩn đầu ra. Thực tế, trước khi khung trình độ quốc gia chuẩn bị được phê duyệt, Bộ GD&ĐT ban hành nhiều thông tư chuẩn kiến thức các trình độ ĐH dựa vào khung tham chiếu châu Âu.

Ông có ý kiến gì về con số gần 20 vạn lao động trình độ cử nhân trở lên thất nghiệp?

- Năm nay, số học sinh lớp 12 đăng ký thi ĐH, cao đẳng ít hơn năm trước, một số em đỗ tốt nghiệp rồi đi học nghề, tìm việc làm. Điều đó là tốt vì tùy theo sự phân công lao động, năng lực, các em thấy có khả  năng thì học ĐH, nếu không thì chuyển học nghề. Hiện nay, SV của chúng ta được đào tạo ra không phải chỉ nhắm vào thị trường trong nước. Tất nhiên, năm đầu tiên dịch chuyển lao động trong khối nên các em có bỡ ngỡ. Khi thích nghi được, các em sẽ năng nổ tự đi tìm việc làm, nhưng nền tảng cơ bản nhất vẫn là trình độ ngoại ngữ. Vì thế, trong thời gian chưa tìm được việc, tôi khuyên các em nên học thêm ngoại ngữ để tự tin tìm kiếm việc làm trong khu vực.

Hệ thống ngành nghề ở các trường sẽ được cơ cấu thế nào để SV ra trường dễ tìm được việc làm?

- Rất khó để dự báo tình hình lao động, việc làm ở các ngành nghề. Bởi nước ta đang phát triển, nền kinh tế phụ thuộc vào nhiều thứ, trong đó có đầu tư nước ngoài, các DN nước ngoài. Tuy nhiên, những ngành nghề thế giới đang cần, có xu hướng phát triển trong mấy năm tới, các trường Việt Nam đã nắm bắt được để đào tạo. Cũng như thế giới đang đào tạo giáo dục ĐH theo hướng cung cấp kiến thức cơ bản, để SV ra trường thích nghi với môi trường công tác khác nhau.

Xin cảm ơn ông!