Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao giá vàng thế giới lao dốc?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Khi giá vàng giảm sâu, thị trường vàng trong nước lại trở nên sôi động, nhiều người tranh thủ mua vàng để thanh toán các khoản vay bằng vàng trước đây. Tuy nhiên, nếu mua vàng tích trữ trong thời điểm này thì nên thận trọng, do giá vàng thế giới sẽ giảm chí ít cho đến hết năm 2015.

Sau khi tạo đáy mới 1.268,70USD/oz vào ngày 21/6/2013, giá vàng giao ngay trên sàn giao dịch hàng hóa New York (Comex) có lúc giảm xuống 1.180,71 USD/oz vào ngày 28/6/2013 và hiện đang dao động quanh ngưỡng kháng cự 1.200 USD/oz.
 
Vì sao giá vàng thế giới lao dốc? - Ảnh 1
 
Trong đó, động thái bán vàng liên tục của các qũy tín thác đầu tư vàng (ETPs) đã gây tác động tâm lý rất lớn. Từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới đã giảm tới 28%, riêng tài sản của SPDR của tỉ phú John Paulson (công ty tín thác đầu tư vàng lớn nhất thế giới) đã giảm 35,2 tỉ USD.
 
Nguyên nhân chính đẩy giá vàng lao dốc là do kết quả tích cực của nền kinh tế Mỹ đã làm tăng đồn đoán là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm quy mô và tốc độ của gói nới lỏng định lượng QE3 vốn đã đẩy vàng tăng giá trong năm trước. Khi giá vàng giảm sâu, một số tổ chức tài chính hàng đầu quốc tế đã đồng loạt điều chỉnh giảm dự báo giá vàng trong thời gian tới.
 
Về tổng thể, các ngân hàng đều có chung nhận định là giá vàng sẽ giảm dần, nhưng có sự khác biệt khá lớn về dự báo giá vàng trong thời gian tới.
 
Quan điểm lạc quan thận trọng, Deutsche Bank dự báo, giá vàng trung bình trong năm 2013 là 1.428 USD/oz và trong năm 2014 là 1.338 USD/oz; Credit Suisse cho rằng, giá vàng năm 2013 sẽ ở mức 1.400 USD/oz, giảm so với 1.580 USD đưa ra trước đây; Ngân hàng Morgan Stanley dự báo, giá vàng năm 2013 ở mức 1.409 USD/oz, và đạt 1.313 USD/oz năm 2014.
 
Trái với nhận định lạc quan, một số ngân hàng đưa ra dự báo giá vàng thấp hơn nhiều. Quỹ đầu tư Superfund cho rằng, giá vàng đang chịu rất nhiều áp lực và sẽ xoay quanh mốc 1.200 USD/oz trong ngắn hạn, sau đó sẽ giảm xuống 1.000 USD/oz. Giáo sư Nouriel Roubini (đại học tổng hợp New York) dự báo, giá vàng sẽ giảm xuống 1.000 USD/oz vào năm 2015. Tập đoàn tín dụng Thụy Sĩ - Credit Suisse Group AG) nhận định, giá vàng có thể giảm xuống khoảng 1.100 USD/oz trong năm nay. Ngân hàng ABN Amro cũng dự báo mức giá 1.100 USD/oz trong năm nay, nhưng giảm sâu xuống 900 USD/oz vào năm 2014.
 
ABN Amro là ngân hàng mới nhất cắt giảm dự báo giá vàng. Nhà băng này hạ dự báo chốt năm 2013 về mức 1.100 USD/oz từ mức 1.300 USD/oz đưa ra lần trước. Dự báo giá vàng chốt năm 2014 cũng bị cắt giảm về 900 USD/oz từ mức 1.000 USD/oz, với cơ sở là hoạt động bán vàng của các quỹ đầu tư.
 
Riêng Goldman Sachs đưa ra dự báo cao nhất về giá vàng cuối năm nay là 1.435 USD/oz, nhưng lại giảm mạnh dự báo giá vàng cuối năm 2014 xuống 1.050 USD/oz.
 
Những diễn biến trên thị trường kinh tế - tài chính quốc tế cho thấy, xu hướng giá vàng giảm ngày càng rõ rệt, các nhà đầu tư không còn tin vào vị thế của vàng. Sau khi đã thu được những khoản lợi nhuận khổng lồ trong thời kỳ vàng tăng giá từ năm 2000 đến năm 2011, các qũy đầu tư vàng bắt đầu rút khỏi thị trường vàng, gây hiệu ứng domino và chấm dứt chu kỳ tăng giá của vàng. Trong thời gian này, kinh tế thế giới cũng bắt đầu le lói phục hồi sau khi các nước phát triển thực thi chiến lược mới về phát triển kinh tế.
 
Yếu tố chi phối giá vàng là tình hình kinh tế Mỹ và phần còn lại của thế giới. Tại Mỹ, mặc dù các biện pháp cắt giảm thâm hụt ngân sách đang cản trở đà tăng trưởng kinh tế, nhưng kinh tế vẫn phục hồi vững chắc, tỉ lệ thất nghiệp giảm dần. Kết quả nghiên cứu của Capital Economics Ltd (công ty nghiên cứu kinh tế tại London) cho rằng, mặc dù nợ công của Mỹ hiện nay là 106% GDP, nhưng nếu trừ đi các khoản vốn đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là giá trị trái phiếu nước ngoài do các nhà đầu tư Mỹ nắm giữ, nợ nước ngoài của Mỹ chỉ vào khoảng 30% GDP.
 
Do điều kiện quốc tế bất lợi và trở ngại trong nước, tăng trưởng GDP tại hai nước tiêu thụ vàng lớn nhất là Trung Quốc và Ấn Độ bắt đầu chậm lại từ hai năm trước, đây cũng là thời điểm giá vàng thế giới có dấu hiệu giảm dần.
 
Kinh tế Ấn Độ tiếp tục gặp khó khăn do mùa màng thất bát, sản xuất nông nghiệp năm 2012-2013 chỉ tăng 1,9%, giảm từ mức tăng 3,6% trong năm tài khóa trước đó. GDP trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3/2013 giảm xuống dưới ngưỡng 5%, mức thấp nhất trong thập kỷ qua, đồng rupee mất giá trên 20% xuống mức thấp nhất từ trước tới nay với 1 USD đổi được trên 60 rupee.
 
Kinh tế Trung Quốc đang chuyển sang qũy đạo tăng trưởng chậm dần, dự báo chỉ tăng 7,8% trong năm 2013 và 7,7% trong năm 2014, thấp hơn mức tăng trưởng cần thiết 8%/năm để ổn định tình hình xã hội trong nước. Không loại trừ khả năng nền kinh tế này sẽ chỉ tăng khoảng 5% trước những nguy cơ như giá bất động sản tăng cao, các vấn đề trong lĩnh vực ngân hàng, tình trạng nợ nần của các chính quyền địa phương.
 
Ngày 14/6/2013, NHTW Trung Quốc đã bơm thêm 15 tỉ USD qua hệ thống ngân hàng thương mại nhằm giảm nhẹ lo ngại của các nhà đầu tư về nguy cơ đổ vỡ tín dụng tại quốc gia này, lặp lại sự kiện Lehman Brothers vốn đã xảy ra tại Mỹ năm 2008. Theo đánh giá của Fitch, tín dụng ngân hàng tại Trung Quốc năm 2012 đã lên tới 118% GDP, tỉ lệ này đang là 198% GDP nếu tính các khoản tín dụng phi chính thức.
 
Giá của vàng giảm so USD còn bắt nguồn từ sự mất giá của một số đồng tiền chủ chốt khác, nhất là euro và yên Nhật. Trong đó, Nhật Bản đang tăng cường các gói kích thích kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng; lãnh đạo khu vực đồng tiền chung euro cũng đang xem xét nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế, nhất là tại các nước thành viên đang gặp nhiều khó khăn.
 
Khi giá vàng giảm sâu, thị trường vàng trong nước lại trở nên sôi động. Trong số này, nhiều người tranh thủ mua vàng để thanh toán các khoản vay bằng vàng trước đây. Tuy nhiên, nếu mua vàng tích trữ trong thời điểm này thì nên thận trọng, do giá vàng thế giới sẽ giảm chí ít cho đến hết năm 2015.