Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và bốn Bộ liên quan (Tài chính, Công Thương, KH & CN, GTVT), VAMA đề nghị làm rõ: Thứ nhất, tại sao Công ty Hyundai Thành Công lại phải nhập khẩu thân xe hoàn chỉnh để chạy thử dây chuyền, trong khi họ đã đầu tư vào dây chuyền hàn và sơn tĩnh điện theo yêu cầu của Quyết định 115/2004/QĐ-BCN của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) ban hành ngày 27/10/2011. Công ty Hyundai Thành Công hoàn toàn có thể nhập khẩu thân xe rời rạc từng mảng để chạy thử dây chuyền hàn và sơn tĩnh điện. Thứ hai, việc Bộ KH & CN cho phép Hyundai Thành Công nhập khẩu 5.000 bộ linh kiện là số lượng quá lớn so với mục đích chạy thử dây chuyền sản xuất. Mặt khác, nhờ đó mà Hyundai Thành Công còn được áp dụng mức thuế linh kiện thay vì mức thuế của xe ô tô nguyên chiếc, đây là ưu đãi quá lớn và chưa có tiền lệ, gây cạnh tranh không công bằng giữa các nhà sản xuất, đồng thời có nguy cơ gây thất thu một khoản thuế rất lớn. Thứ ba, VAMA nhận thấy chỉ có duy nhất yêu cầu về độ rời rạc của thân xe là điều kiện chính nhằm thúc đẩy nội địa hóa để phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Vì vậy, VAMA quan ngại rằng việc cho phép nhập khẩu một số lượng lớn các bộ linh kiện với thân xe hoàn chỉnh sẽ tạo tiền lệ không tốt, gây ảnh hưởng đến chủ trương thúc đẩy nội địa hóa ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Để lắp ráp được một mẫu xe và tuân thủ đúng các quy định hiện hành (như Quyết định 115/2004/QĐ-BCN của Bộ Công Thương, Quyết định 05 của Bộ KH & CN), doanh nghiệp trước hết phải có hợp đồng chuyển giao công nghệ, tiếp theo là có một số vốn rất lớn (từ hàng chục đến hàng trăm triệu USD) để đầu tư vào hệ thống nhà xưởng máy móc, dây chuyền thiết bị mà quan trọng là bộ gá và bộ hàn Zic để hàn thân vỏ xe, hệ thống sơn tĩnh điện… Dư luận đang nghi ngờ việc Nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô của Công ty CP Tập đoàn Thành Công đặt tại KCN Gián Khẩu - huyện Gia Viễn- tỉnh Ninh Bình (gọi tắt là Hyundai Thành Công) mới đi vào hoạt đông được gần một năm vậy mà trong vòng một năm đó đã tung ra thị trường 3 mẫu sản phẩm xe lắp ráp trong nước!
"Lách" để hưởng lợi?
Xoay quanh việc tuân thủ và thực hiện những quy định của quyết định 05/2005/QĐ-BKHCN có nhiều vấn đề cần bàn. Các liên doanh ô tô thời gian qua do sự thay đổi về công nghệ tiên tiến nên nhập khẩu về một số linh kiện, phụ tùng không quan trọng như thân gương…, không đạt mức độ rời rạc và bị đòi truy thu hàng nghìn tỷ tiền thuế. Trường hợp của Hyundai Thành Công cần được nghiêm túc kiểm tra, xem xét. Theo quy định của Quyết định 05 thì mức độ rời rạc của thân ôtô phải "rời thành từng mảng, chưa hàn tán, chưa sơn tĩnh điện", nhưng trong thiết kê kỹ thuật ôtô con Hyundai Santafe CM7UBC mà Hyundai Thành Công gửi cho Cục đăng Kiểm Việt Nam để tiến hành lắp ráp trong nước thì phần khung vỏ xe được thiết kế dưới dạng nhập khẩu bán thành phẩm (đã hàn + sơn tĩnh điện). Cần lưu ý một vấn đề là chênh lệch thuế suất thuế nhập khẩu giữa xe nguyên chiếc và nhập khẩu kinh kiện để lắp ráp hiện nay rất lớn (82 - 83 % so với khoảng 22%). Phải chăng, ở đây có vấn đề không lắp ráp mà nhập khẩu nguyên chiếc rồi "lách" để hưởng lợi lớn từ chênh lệch thuế suất giữa nhập khẩu nguyên chiếc và nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ?
Trở lại vấn đề đã nêu, theo quy định hiện hành là số bộ linh kiện nhập khẩu để chạy thử dây chuyền là không quá 200 xe. Vì thế câu hỏi lớn đặt ra ở đây là: tại sao chỉ mỗi mình Hyundai Thành Công có được sự ưu đãi lớn đến như thế và liệu rằng, có sự nhập nhèm để lách luật, trốn thuế trong vụ việc này hay không, thiết nghĩ cần được điều tra làm rõ.