Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao không “cắt ngọn” công trình vượt 3 tầng tại phường Mỹ Đình 2?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo Kinh tế & Đô thị online ra ngày 29/9 có bài: “Công trình vượt 3 tầng tại phường Mỹ Đình 2 vẫn tồn tại sau cưỡng chế”.

Bài báo phản ánh sau gần 6 tháng lực lượng chức năng tổ chức cưỡng chế công trình vi phạm tại phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, theo quan sát của phóng viên, 3 tầng sai phép vẫn còn nguyên. Điều đáng nói, trả lời báo chí, phía quận Nam Từ Liêm khẳng định, đã hoàn thành việc xử lý vi phạm của công trình này.

Kiểu cưỡng chế kỳ lạ

Như báo Kinh tế & Đô thị đã thông tin, ngày 27/4, UBND phường Mỹ Đình 2 phối hợp với các phòng ban chức năng quận Nam Từ Liêm tiến hành cưỡng chế công trình vi phạm TTXD tại Khu tái định cư 7.3 – 8.1 Lô TT1 (phường Mỹ Đình 2) do ông Trần Quang Vinh làm chủ đầu tư. Công trình xây dựng vượt 3 tầng, sai so với giấp phép xây dựng được cấp. Động thái này thực hiện chỉ đạo của UBND quận Nam Từ Liêm về việc xử lý các trường hợp vi phạm đất đai TTXD không phép, sai phép trên tuyến đường Dịch Vọng – Phú Mỹ - Cầu Diễn thuộc địa bàn Mỹ Đình 2. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại (ngày 14/10), tức sau gần 6 tháng cưỡng chế công trình vi phạm, theo quan sát của phóng viên, 3 tầng sai phép vẫn còn nguyên. Chủ đầu tư đang cho hoàn thiện các hạng mục còn lại.
Các lực lượng ra quân cưỡng chế công trình vi phạm ngày 27/4
Các lực lượng ra quân cưỡng chế công trình vi phạm ngày 27/4
Để làm rõ nguyên nhân vì sao UBND quận Nam Từ Liêm lại có cách xử lý công trình vi phạm một cách “vô lý” như vậy, phóng viên đã liên hệ và có cuộc làm việc với Trưởng phòng Quản lý đô thị (quận Nam Từ liêm).

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Huy Cường - Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Nam Từ Liêm tự tin cho biết: Việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng, cưỡng chế đối với công trình 9 tầng này, trong quyết định cưỡng chế, không yêu cầu chính quyền địa phương phải làm hết. Những sai phạm tại công trình, chính quyền địa phương ra quyết định xử lý với mục đích chủ đầu tư không thể sử dụng được diện tích đó.

“Đến thời điểm hiện tại, toàn bộ hệ thống hạ tầng, bao gồm điện, nước, nhà vệ sinh ở 3 tầng vi phạm, chúng tôi đã đục tường, đục sàn, để không thể đưa 3 tầng này vào sử dụng được. Ngoài ra, quận đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư không được tái vi phạm. Đây cũng là tài sản của người dân, nên họ xin phép UBND phường được tự xử lý, tự phá dỡ, bởi liên quan đến hệ thống kết cấu của tòa nhà. Đây là công trình cưỡng chế mà quận làm điểm, việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng chủ yếu mang tính chất răn đe” – ông Cường chia sẻ.

Khi phóng viên đề cập, tại sao không “cắt ngọn” công trình, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Nam Từ Liêm lại biện minh: Việc cưỡng chế, xử lý nhằm mục đích để chủ đầu tư không sử dụng lại được các tầng vi phạm, chứ không phải “cắt ngọn”.

Cái lý của người phụ trách công tác quản lý đô thị quận Nam Từ Liêm đưa ra, nhiều người cho rằng đó là “lý sự cùn”. Được biết, quyết định cưỡng chế công trình này do ông Nguyễn Trường Sơn – Phó Chủ tịch UBND quận Nam Tử Liêm ký không không hề đề cấp tới việc “quyết định cưỡng chế không yêu cầu chính quyền địa phương phải làm hết” như ông Trưởng phỏng quản lý đô thị nói.

Không được tạo tiền lệ đối với các công trình vượt tầng

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: Việc hạn chế số tầng do quy hoạch yêu cầu tạo cảnh quan đô thị. Vì vậy, không thể tạo tiền lệ đối với các công trình vi phạm xây vượt tầng.
Công trình hiện vẫn tồn tại thách thức pháp luật.
Công trình hiện vẫn tồn tại thách thức pháp luật.
Đối với các công trình như vậy, chủ đầu tư phải bỏ tiền ra tự dỡ bỏ, “cắt ngọn” đối với phần vi phạm. Nếu chủ đầu tư không thực hiện, chính quyền có thể thuê công ty xây dựng dỡ bỏ, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư phải nộp tiền công phá dỡ. Đối với việc chính quyền cưỡng chế, đục phá bên trong nhà mà không “cắt ngọn”, có thể vài năm nữa, chính quyền, người dân cũng quen mắt với chiều cao của công trình đó rồi, chủ nhà lại có thể sửa sang, xây lại phần phía trong nhà, vi phạm vẫn hoàn vi phạm.

Tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TP lần thứ 23 diễn ra ngày 13/10, đề cập cụ thể đến vụ việc công trình xây vượt tầng tại số 8B phố Lê Trực, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị  nhấn mạnh, quan điểm của TP là phải làm đến nơi đến chốn, sai phạm chỗ nào phải “cắt” chỗ đó, sai 16m, cắt đi 16m; không giật cấp, yêu cầu giật cấp.

“Chúng ta phải làm nghiêm, coi đây là trường hợp điển hình để xử lý làm bài học răn đe cho các chủ đầu tư khác. Đồng thời, tất cả các quận, huyện phải chủ động rà soát trên địa bàn để không còn những trường hợp sai phạm tương tự” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị  nhấn mạnh.

Thành phố đang chỉ đạo xử lý nghiêm đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng. Tuy nhiên, với cách trả lời của Trưởng phòng quản lý đô thị quận Nam Từ Liêm, dư luận không khỏi nghi ngờ về sự bao che, cưỡng chế nặng về hình thức của chính quyền sở tại.