Trên tờ tạp chí Dinh dưỡng Anh, các nhà khoa học của trường ĐH King London (Anh) và ĐH São Paulo (Brazil) khẳng định: Thời điểm ăn uống cũng quan trọng như ăn cái gì. Việc ăn uống thất thường, bỏ bữa liên quan với các bệnh lý do rối loạn chuyển hoá như huyết áp cao, tiểu đường, béo phì.
BS Gerda Pot, giảng viên khoa học dinh dưỡng của ĐH King London và cộng sự cho biết, ăn không đúng bữa có thể ảnh hưởng đến nhịp sinh học như chán ăn, chuyển hoá chất béo, cholesterol, glucose. Quá trình trao đổi chất cũng liên quan chặt chẽ với nhịp sinh học. Theo đó thức ăn có thể ảnh hưởng đến nhịp sinh học, đặc biệt là các nội tạng như gan và ruột; còn chu kỳ tối/sáng lại ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ thức ăn. Các nhà nghiên cứu cũng nhận định: Sự gia tăng của làm ca và “hội chứng mệt mỏi máy bay đường dài” là do đa số chúng ta sống theo nhịp xã hội thay vì nhịp sinh học. Điều này đã làm thay đổi mô hình tiêu thụ thực phẩm. Hơn thế, nó còn gây ra tình trạng bỏ bữa, ăn ngoài hàng, ăn trên đường, ăn muộn ngày càng trở nên thường xuyên hơn. Hậu quả là những người bỏ bữa, ăn trên đường hay ăn tối muộn sẽ ít khoẻ mạnh hơn những người thường xuyên ngồi ăn cùng người khác. Tuy nhiên, giải đáp cho vấn đề cơ thể chúng ta cần nhiều năng lượng nhất trong bữa ăn nào hiện vẫn đang để ngỏ. Các nhà nghiên cứu cho rằng cần có những nghiên cứu lớn về về vấn đề này cũng như những nghiên cứu về tác động của việc ăn với ai để làm rõ việc ăn uống cùng gia đình ảnh hưởng đến sức khoẻ như thế nào.