Vậy, đâu là nguyên nhân của sự việc?Thực hiện chủ trương phát triển ngành, nghề công nghiệp, thu hút đầu tư và giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương, năm 2002, UBND huyện Thanh Oai và UBND xã Bình Minh cho 4 DN thuê đất nông nghiệp để mở rộng kinh doanh, sản xuất. Theo đó, Công ty May xuất khẩu và Thương mại Huy Ngọc, Công ty Cung ứng Nhân lực Quốc tế và Thương mại Sông Đà, Dự án (DA) may của bà Lê Thị Chỉ, DA dệt may của ông Cao Văn Hùng thuê hơn 42.000m2 đất nông nghiệp của gần 100 hộ dân thôn Đìa và thôn Sinh Liên để xây nhà, xưởng sản xuất với thời gian từ 20 - 30 năm. Bên cạnh đó, tại thôn Tê Quả, xã Tam Hưng, UBND huyện Thanh Oai còn cho DN bê tông Ngọc Hương thuê 8.377m2 đất nông nghiệp của 60 hộ dân.
Công ty May xuất khẩu và Thương mại Huy - Ngọc.
|
Việc cho thuê đất của cả 2 xã trên được thực hiện công khai, dân chủ và hầu hết các hộ đều đồng thuận. Tuy nhiên, vào thời điểm cho thuê, các văn bản, chính sách của Nhà nước về thu hồi đất, bồi thường (BT), hỗ trợ (HT) đối với người bị thu hồi đất chưa đầy đủ, rõ ràng nên quá trình thực hiện GPMB của các cơ quan chức năng đã có nhiều sai sót, nên đến nay các hộ dân có đất cho thuê đã có đơn kiến nghị (?). Người dân 2 xã Bình Minh và Tam Hưng bày tỏ nguyện vọng: "Đến nay, đã hết thời hạn giao đất cho thuê, đề nghị DN trả lại ruộng cho các hộ; Nếu DN có nhu cầu thuê tiếp phải có thỏa thuận với người dân".
Qua tìm hiểu, được biết, việc thuê đất đã được người dân, DN cùng UBND các xã thỏa thuận và thực hiện theo Nghị định 22/1998/NĐ-CP ngày 22/4/1998 và Thông tư 145/1998/TT-BTC về công tác BT, HT khi thu hồi GPMB triển khai DA. Theo đó, DN, UBND các xã, Hợp tác xã nông nghiệp, thôn đã thỏa thuận với các hộ có đất nằm trong DA theo hình thức người dân viết đơn đề nghị không cấy lúa để Nhà nước thu hồi đất thực hiện DA và nhận tiền đền bù hoa màu đến hết năm 2013. Ngoài ra, UBND xã Bình Minh còn xác nhận cho hộ ông Lưu Văn Hòa với nội dung: "Sau năm 2013 nếu không chia lại ruộng, UBND xã có trách nhiệm trả đủ diện tích đã bị thu hồi". Còn, các hộ dân thôn Tê Quả, xã Tam Hưng lại thỏa thuận với DN: "Thời gian thuê đất theo quy định của pháp luật, thời gian đền bù hoa màu đến tháng 12/2013". Hơn nữa, UBND xã Tam Hưng còn xác nhận vào giấy giao quyền sử dụng đất của các hộ với nội dung: "Gia đình tự nguyện cho DN thuê ruộng đến hết năm 2013". Khi DN đang triển khai xây dựng nhà, xưởng, người dân 2 xã kiến nghị đòi hỗ trợ thêm tiền, UBND huyện Thanh Oai cùng UBND 2 xã và DN đã tập trung giải quyết với việc hỗ trợ đào tạo nghề, bổ sung phần BT, HT…
Mặc dù việc thỏa thuận giữa các bên đã diễn ra từ năm 2002, nhưng đến ngày 6/5/2003, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) mới ban hành Quyết định 563/QĐ-UB quy định tạm thời khung giá BT về đất và các chính sách HT khi Nhà nước thu hồi đất. Và như vậy, các DA nêu trên đã được triển khai khi UBND tỉnh Hà Tây (cũ) chưa ban hành Quyết định tạm thời khung giá BT thiệt hại về đất và các chính sách HT. Do vậy, mức giá BT, HT đều được DN thực hiện thông qua việc tự thỏa thuận với các hộ dân và có sự tham gia của đại diện UBND xã. Xuất phát từ những thỏa thuận nói trên khiến người dân hiểu việc thuê đất chỉ tính đến hết năm 2013, còn sau đó DN muốn thuê đất tiếp phải thỏa thuận lại với các hộ dân. Đến nay, khi thời điểm năm 2013 đã hết, căn cứ vào những thỏa thuận giữa các bên có sự xác nhận của chính quyền cơ sở nên người dân tiếp tục đòi quyền lợi của mình.
Báo Kinh tế & Đô thị sẽ thông tin tiếp về hướng xử lý vụ việc của chính quyền sở tại.