Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao nhà đầu tư mua Sabeco giá cao?

Phan Long - Giám đốc Viện Kế toán và Quản trị công chứng Úc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thương vụ đấu giá 343,66 triệu cổ phiếu (tương đương 53,59% vốn điều lệ) của Tổng Công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco (Mã CK:SAB) đã thành công tốt đẹp, thu về gần 110.000 tỷ đồng cho ngân sách với mức giá bình quân là 320.000 đồng/cổ phiếu.

Nhà đầu tư đã mua CP trong đợt chào bán cạnh tranh lần này là Công ty TNHH Vietnam Beverage - công ty do ThaiBev gián tiếp sở hữu 49%.
Giá 320.000 đồng/CP là cả một thách thức mà ít nhà đầu tư nào dám nhảy vào. Vậy, tại sao Vietnam Beverage mua Sabeco với giá lên đến hơn 40 lần lợi tức? Tại sao, nhà đầu tư mua giá được giới chuyên môn cho là cao, thậm chí một số đối thủ cùng ngành cho là quá cao? Đó là những câu hỏi mà thị trường đã đặt ra trong thương vụ bán cổ phần Sabeco. Số tiền khủng 4,8 tỷ USD là không dễ để thu xếp nhưng ThaiBev đã cực kỳ quyết tâm.

Trong một thương vụ mua bán sáp nhập (M&A), đặc biệt là với các DN tầm cỡ như Sabeco, việc đổ tiền vào và giành quyền kiểm soát DN là cả một sự hấp dẫn. Đó có thể coi là câu trả lời đơn giản cho sự “máu chiến” của ThaiBev. Nhà đầu tư này sẵn sàng trả giá cao cho một thứ gọi là Control Premium (quyền điều khiển, quyền kiểm soát). Và trong cấu trúc thương vụ mua bán, sáp nhập thì Control Premium luôn xuất hiện khi bên mua có được quyền kiểm soát. Control Premium được định nghĩa là số tiền lớn hơn so với giá thị trường mà bên mua phải bỏ ra để có được quyền kiểm soát một DN sau thương vụ M&A.

Nếu ThaiBev mua được quyền kiểm soát SAB với giá 320.000 đồng/CP, sát với giá thị trường thì có thể nói rằng SAB đang bị thị trường đẩy giá cao vì một lý do nào đó. Việc phiên giao dịch ngay sau thương vụ được chốt, thị giá SAB giảm mạnh là điều có thể dự đoán được. Thực tế, sau phiên đấu giá thành công rực rỡ ngày 18/12, SAB đã liên tục lao dốc. Nếu đúng xu hướng dự báo, SAB có thể giảm từ 20 - 30% trong ngắn hạn.

Có thể thấy, trong thương vụ thoái vốn Nhà nước tại Sabeco, ThaiBev đã mất khá nhiều công sức khi thành lập ra Công ty Vietnam Beverage với vốn điều lệ 681,66 tỷ đồng, trong đó, ThaiBev gián tiếp sở hữu 49% cổ phần. Theo quy định của Luật Chứng khoán, Vietnam Beverage được xem như một DN nội địa và không thuộc trường hợp bị hạn chế sở hữu 49% vốn tại Sabeco.

Ngoài ra, một điểm khác với nhiều thương vụ thoái vốn khác là thường trước thời điểm M&A, bên bán sẽ tích cực truyền thông hình ảnh với tần suất quảng cáo lớn. Nhưng thương vụ đấu giá Sabeco lại không như vậy. Thông tin về các ứng viên trong cuộc đua này rất ít và chỉ xuất hiện trước thềm đấu giá vài phiên. Có thể thấy, bản thân Bộ Công Thương hay Sabeco cũng xác định không cần phải quảng bá nhiều để đẩy ứng viên tổ chức duy nhất này lên nữa. Bởi vì, cái tên ứng viên duy nhất Vietnam Beverage - DN liên quan đến hãng bia Thái Lan của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi có lẽ đủ tin tưởng, đủ uy tín để tham gia nắm giữ cổ phần tại một DN cùng ngành nghề, một DN mà họ có thừa kinh nghiệm và khả năng để phát triển nó đi lên như Sabeco.