Đề nghị trung ương cấp 56.000 tấn gạo
Chiều 28/8, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình phòng, chống dịch trên địa bàn.
Ông Phạm Đức Hải - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh cho biết, Thành ủy TP đã yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP và các tổ chức chính trị - xã hội xác định, quán triệt trong toàn hệ thống chính trị về công tác phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong thời điểm hiện nay. Ban Thường vụ Thành ủy đã phân công Ủy viên Ban Thường vụ và Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ TP trực tiếp phụ trách, theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc mọi mặt công tác phòng, chống dịch của các địa bàn.
Ông Phạm Đức Hải cũng cho biết, UBND TP đã có văn bản đề nghị Trung ương cấp hơn 56 nghìn tấn gạo để hỗ trợ cho dân gặp khó khăn. Trước đó, đợt 1 TP đã nhận và hỗ trợ người dân hơn 14 nghìn tấn gạo.
Thông tin về y tế, ông Phạm Đức Hải cho biết, tổng số trường hợp mắc Covid-19 tính đến 6 giờ ngày 28/8 là 194.596, gồm 194.159 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 437 trường hợp nhập cảnh. Hiện ngành y tế đang điều trị 38.559 bệnh nhân, trong đó có 2.310 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.739 bệnh nhân nặng đang thở máy và 20 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày có 2.236 bệnh nhân xuất viện. Đến ngày 27/8, TP đã tiêm được 5.806.990 liều vaccine…
Liên quan đến việc tiếp nhận, điều chỉnh thông tin tiêm chủng vaccine Covid-19 trên Sổ sức khỏe điện tử (SSKĐT), theo ông Phạm Đức Hải, hiện tại thông tin tiêm chủng của người dân đã được cập nhật lên SSKĐT. Một số trường hợp khi kiểm tra đã phát hiện có sự nhầm lẫn thông tin và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) đang triển khai tiếp nhận, chuyển đơn vị liên quan cập nhật.
Điều chỉnh nhiều quy định lưu thông
Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó Trưởng Phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, báo chí đã bám sát và phát hiện kịp thời các sự việc bất cập để Công an TP điều chỉnh trong chỉ đạo.
Cũng theo ông Lê Mạnh Hà, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an, Công an TP triển khai phần mềm y tế trên mã QR quản lý dân cư.
Do đây là bước đầu thực hiện, các tài xế chưa khai báo trước nên khi đến chốt khai báo sẽ có hiện tượng ùn ứ. Qua thông tin này, Công an TP đề nghị người dân trước khi lưu thông trên đường thì nên khai báo trước và đến chốt trình báo thì sẽ nhanh chóng hơn.
Thượng tá Hà cũng thông tin thêm, qua thực tế việc cấp giấy đi đường xuất hiện vướng mắc cho người dân, nên Công an TP đã có thêm 3 quy định mới.
Thứ nhất, đối với các xe chở nhân viên cơ quan, DN không có mã QR, chỉ cần một người trên xe có giấy đi đường thì được lưu hành… nhưng phải cùng một cơ quan, đơn vị, người ngồi trên xe phải đảm bảo giãn cách, đây là quy định mới được triển khai.
Thứ hai, người dân đi xét nghiệm Covid-19, đi du học, người có vé máy bay về tỉnh khác thì không cần giấy đi đường vẫn được lưu thông. Tuy nhiên, phải có lộ trình phù hợp, chứng minh được các lý do như trên và phải đi xét nghiệm.
Thứ ba, nhân viên vận chuyển gas ở khu dân cư, quy định mới là bình gas đi giao 12kg trở lên, chỉ cần có giấy giao hàng và khai báo y tế là được đi.
Vì sao đề xuất cho shipper hoạt động trở lại?
Một vấn đề được báo chí quan tâm đó là việc vì sao Sở Công Thương có đề xuất cho đội ngũ shippers hoạt động trở lại.
Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, Sở đã đề xuất cho lực lượng shipper hoạt động trở lại, hiện tại các cơ quan tham mưu đang thảo luận, lãnh đạo TP chưa trả lời chính thức.
Cũng theo ông Nguyễn Nguyên Phương, đội ngũ shipper hoạt động rất chuyên nghiệp có lợi thế lớn trong việc vận chuyển hàng hóa, có năng lực trong điều phối tiếp nhận thông tin giao nhận hàng hóa. Ngoài ra, lực lượng shipper cũng đã được tiêm vaccine, có các ứng dụng quản lý tốt; họ có nghiệp vụ đảm bảo an toàn trong giao dịch và an toàn trong phòng, chống dịch vì đã có kinh nghiệm hoạt động qua nhiều đợt dịch. Nếu họ được vận chuyển hàng hóa thì giảm tải rất nhiều trong việc vận chuyển hàng hóa hiện nay.
Xét nghiệm gần 1,5 triệu mẫu, phát hiện hơn 54.000 ca dương tính
Giải đáp các vấn đề liên quan đến ngành y tế, ông Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP cho biết, hiện nay số người tử vong dao động trong khoảng 250 - 300/người/ngày và chưa có dấu hiệu giảm. “Tỷ lệ tử vong như vậy ngành y tế rất đau lòng và vẫn đang nỗ lực bằng mọi cách để giảm được tỷ lệ tử vong càng nhiều càng tốt”, ông Nguyễn Hữu Hưng chia sẻ.
Liên quan công tác xét nghiệm, theo ông Nguyễn Hữu Hưng, từ 23/8 đến nay, đã xét nghiệm 1.436.922 mẫu test nhanh và phát hiện 54.498 ca dương với SARS-CoV-2, số mẫu dương tính dao động trên dưới 3,5%. Để thuận lợi cho việc xét nghiệm đúng trọng tâm, trọng điểm, có chiến lược phù hợp, TP chia tổ dân phố, ấp ra thành 4 mức độ đỏ, cam, vàng, xanh.
Với "vùng đỏ" và "vùng cam" sẽ làm test nhanh cho tất cả người dân với tần suất 2 ngày/lần. Còn "vùng vàng" và "vùng xanh" thì làm xét nghiệm PCR với mẫu gộp, gộp 5 với vùng vàng và gộp 10 với vùng xanh và tần suất 7 ngày/lần. Khi tập trung xét nghiệm, số F0 chắc chắn tăng, nhưng nằm trong dự báo, tức là không quá nhiều.
Ông Nguyễn Hữu Hưng cho biết thêm, trong chiến lược điều trị F0, ngành y tế TP đã phân theo tầng.
Tầng điều trị thứ 1 (bao gồm các F0 đang cách ly tại nhà, xuất viện trở về và cả F0 ở những khu cách ly, điều trị tại quận, huyện), nếu làm tốt việc chăm sóc, quản lý tại tầng 1 sẽ hạn chế số bệnh nhân nặng, do đó số bệnh nhân tử vong cũng sẽ giảm. Số F0 cách ly tại nhà hiện trên dưới 45.000 ca. TP không chỉ tập trung điều trị F0 có điều kiện cách ly tại nhà thông qua trạm y tế lưu động. TP đã chuẩn bị điều kiện quản lý kể cả F0 phát hiện qua xét nghiệm diện rộng.
Tầng điều trị thứ 2 gồm các F0 có triệu chứng nhẹ, trung bình và nặng, kèm theo những bệnh lý nền.
Tầng điều trị thứ 3 sẽ là khu vực hồi sức chuyên sâu cho các F0 nặng, nguy kịch ở các bệnh viện tuyến cuối.
Giải đáp về vấn đề cung cấp oxy cho F0 cách ly tại nhà, đại diện HCDC cho biết thêm, việc cấp oxy do các trạm y tế lưu động đảm nhiệm, mỗi trạm có ít nhất 3 bình oxy lớn và 2 bình nhỏ.