Đa số sinh viên sư phạm có kiến thức chuyên môn vững, tư cách đạo đức, tác phong chững chạc nhưng những kỹ năng liên quan đến công tác chủ nhiệm lớp lại rất yếu.
Đó là kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu Trường ĐH Sư phạm Hà Nội khi tiến hành điều tra, phỏng vấn trực tiếp Ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên hướng dẫn của các trường có sinh viên thực thuộc các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Tuyên Quang, Hà Nội và sinh viên năm thứ 4 của 14 khoa trong trường.
Với công tác chủ nhiệm lớp, những cái “vướng” sinh viên thường gặp phải là việc lập kế hoạch, cách thức tổ chức... Cụ thể, sinh viên không biết lập kế hoạch cho công tác chủ nhiệm, không biết phải bắt đầu từ đâu, bắt đầu bằng việc làm gì và làm như thế nào. Sinh viên không biết cách tổ chức một giờ sinh hoạt lớp hay tổ chức các hoạt động theo chủ đề…
Nhóm điều tra cho biết, những hoạt động chủ yếu mà sinh viên tiến hành trong giờ sinh hoạt lớp thường là: phê bình, nhắc nhở học sinh có những biểu hiện chưa tốt, làm ảnh hưởng đến thành tích của lớp; tổ chức một số hoạt động có nội dung bổ ích; tự tổng kết, nhận xét hoạt động của lớp trong tuần; đề nghị học sinh tham gia nhận xét... Nói chung, cách thức tổ chức giờ sinh hoạt lớp còn đơn điệu, buồn tẻ, nhiều khi giống như một giờ “xử án” làm cho học sinh, nhất là những học sinh có khuyết điểm không hứng thú, nếu không muốn nói là “sợ” giờ học này.
Thậm chí, nhiều sinh viên không biết làm các loại hồ sơ, sổ sách; không biết cách tổ chức, làm việc với cha mẹ học sinh và không biết cách tìm hiểu, phân loại học sinh; không biết làm thế nào để thu hút học sinh tham gia vào các hoạt động, chưa biết cách quản lý, giao tiếp với học sinh cũng như xử lý các tình huống sư phạm...
Nhiều sinh viên “biện minh” cho những kém, yếu trong kỹ năng chủ nhiệm lớp của mình là vì sĩ số lớp học quá đông, cơ sở trường lớp thực tập và do thời lượng thực tập ít ỏi… Tuy nhiên, các chuyên gia giáo dục thì cho rằng, “lỗi” chủ yếu liên quan đến vấn đề đào tạo. Theo TS. Nguyễn Thị Kim Dung (Trường ĐHSP Hà Nội), nội dung giảng dạy về phương pháp giáo dục và công tác chủ nhiệm lớp còn quá ít cả về lý thuyết lẫn thực hành, thực tập. Các kiến thức được trang bị chưa sát với yêu cầu của thực tiễn phổ thông; sinh viên chưa được trang bị các kiến thức, kỹ năng liên quan đến quản lý và thu hút học sinh tham gia vào các hoạt động; chưa được trang bị đầy đủ và chưa nắm bắt được tâm lý học sinh vì thế dẫn đến không hiểu học sinh, chưa biết cách giao tiếp có hiệu quả với học sinh; không có tài liệu hướng dẫn, tài liệu tham khảo có liên quan...
Theo TS. Dung, để “cải thiện” thực trạng này cần trang bị cho sinh viên các kiến thức và kỹ năng cơ bản về công tác chủ nhiệm lớp như cách làm sổ sách, cách lập kế hoạch, tổ chức các hoạt động giáo dục, cách làm việc với học sinh cá biệt... Bổ sung thêm nội dung kiến thức và kỹ năng làm công tác đội, công tác đoàn... Tăng cường thêm các kiến thức liên quan đến tâm lý lứa tuổi, đến các phương pháp giáo dục, cách giải quyết các tình huống sư phạm, cách thu hút học sinh tham gia các hoạt động, cách tổ chức các hoạt động giáo dục, tổ chức trò chơi, cách quản lý học sinh, quản lý lớp học...
Về thực hành, thực tập, nên tăng cường thực hành ngay trong trường đại học về công tác chủ nhiệm, cách tổ chức các hoạt động giáo dục thông qua việc quan sát, dự giờ, thực hành và thông qua các tình huống giả định; nên cho sinh viên đi xuống trường phổ thông ngay từ năm thứ nhất và thứ hai để quan sát, học hỏi thực tế; tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa trường sư phạm và trường phổ thông...
Thậm chí, theo TS. Dung, nếu có thể, trong tương lai gần nên nghĩ đến việc tách hẳn một môn về công tác chủ nhiệm chứ không nên dừng lại ở một chương trình như hiện nay.
Thực tế cho thấy, để sinh viên ra trường có thể đáp ứng tốt công việc của một giáo viên chủ nhiệm ngay từ đầu là không thể, nhưng những nhiệm vụ nội dung cơ bản thì sinh viên cần được trang bị ngay từ đầu trong quá trình đào tạo. Đã đến lúc cần sự đổi mới đồng bộ từ nội dung, chương trình đến thực hành, thực tập về công tác chủ nhiệm lớp theo hướng gắn chặt hơn nữa với trường phổ thông.