Mặc dù các cơ quan quản lý đã nhắc nhở và mạnh tay xử lý; các chuyên gia và khán giả không ngớt "mổ xẻ”, song scandal trên sóng truyền hình thực tế (THTT) vẫn chưa có hồi kết.
“Thực tế” tràn sóng VTV
Chương trình THTT đầu tiên trên sóng VTV mang tên Phụ nữ thế kỷ XXI. Khán giả đón xem chương này vừa có phần thích thú, vừa có phần bỡ ngỡ trước sự tương tác của một thể loại truyền hình mới. Mới có 10 năm kể từ "cột mốc" ấy, nay không thể đếm xuể "nhà đài" đã phát sóng bao nhiêu chương trình THTT. Sau mỗi năm, số lượng và thể loại chương trình này lại tăng lên theo cấp số nhân. Rất nhiều format của nước ngoài được các đối tác của VTV mua bản quyền, lấp kín sóng truyền hình vào tối thứ Sáu và 2 ngày cuối tuần. Nếu như thời gian đầu, các công ty chỉ hướng về sân chơi âm nhạc như: Việt Nam Idol, Giọng hát Việt, tiếp đến là Giọng hát Việt nhí…; thì nay, THTT đã vươn đến mọi lĩnh vực, từ mảng thời trang đến ẩm thực, tài năng ca hát nhảy múa như: Người mẫu Việt Nam - Vietnam's Next Top Model, Thử thách cùng bước nhảy, Vietnam's Got Talent, Bước nhảy hoàn vũ, Cặp đôi hoàn hảo...
Bên cạnh những cái tên quen thuộc kể trên, trong năm 2012, khán giả còn được đổi món với những “reality show” mạo hiểm như: Tôi là người dẫn đầu, Cuộc đua kỳ thú; những chương trình được thực hiện theo phong cách ẩn máy quay (hidden camera) như Camera giấu kín, Đùa chút thôi... Ngoài ra, không ít chương trình thuần Việt như Sao mai Điểm hẹn, Đồ rê mí... cũng dần thay đổi theo hướng “thực tế”.
Scandal nối tiếp scandal
Sai phạm chủ yếu của VTV được thể hiện trên sóng các chương trình THTT. Bộ TT&TT đã làm rất nhiều động tác mạnh như: Thường xuyên nhắc nhở các chương trình vi phạm trong cuộc giao ban báo chí hàng tuần, không cấp phép cho các chương trình có đối tác tư nhân để xảy ra nhiều sai phạm… Thế nhưng, thời gian vừa qua, nhiều cảnh diễn không phù hợp thuần phong mỹ tục như ngôn ngữ hình ảnh phản cảm của “Ơn giời cậu đây rồi”, hay một vài bộ phim nước ngoài trên kênh Cinemax vẫn bị Bộ TT&TT “tuýt còi”.
Vi phạm nối tiếp vi phạm trong năm qua của VTV đã khiến khán giả “phát sốt” với một loạt các “hạt sạn” làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của nhiều người khác: “Chương trình X-Factor” để thí sinh lấy khăn Piêu quấn làm khố biểu diễn trên sân khấu. “Chuyển động 24h” gây phản ứng trước thông tin về năm sinh của cầu thủ bóng đá Công Phượng. Chương trình “Quà tặng cuộc sống” gây bão với hình ảnh học trò nhặt xương cho thầy. Chưa kể nhiều năm nay, các chương trình thiếu nhi như: Giọng hát Việt nhí, Bước nhảy hoàn vũ nhí, Đồ rê mí… đều bị khán giả kêu là "người lớn hóa thiếu nhi”. Những em nhỏ chưa biết đọc nhưng đã phải “diễn ngọt” tích Thị Màu lên chùa…
Trong xu hướng xã hội hóa truyền hình, việc nhiều công ty hợp tác sản xuất với các đài truyền hình là điều tất yếu. Chính nhờ sự hợp tác này mà nhiều bản quyền truyền hình nước ngoài có cơ hội xuất hiện trong nước. Tuy nhiên, đồng nghĩa với cái gọi là liên kết sản xuất chương trình giữa VTV và các đơn vị đối tác là scandal không có hồi kết của THTT. Scandal cũ còn chưa hết ồn ào, scandal mới đã kịp xuất hiện. Nguyên nhân vì mục đích thương mại được đặt nặng nên mục đích giáo dục ít được chú ý. Nhiều đơn vị còn cố tình tạo scandal để tăng số lượng người xem. Khán giả bị bủa vây trong cơn bão thông tin, không định hình rõ đâu là thực, đâu là ảo.
Nếu nhìn vào các chương trình giải trí đơn thuần đang hút khách của VTV, nhiều người có thể nhận định chương trình sản xuất do nhu cầu người xem. Nghĩa là khả năng tiếp nhận của khán giả chỉ dừng ở yếu tố gây cười, chú ý vào những điểm nhấn vi phạm. Tuy nhiên, không hẳn khán giả không cần những chương trình “sạch” cả về nội dung lẫn hình thức thể hiện. Bằng chứng là những chương trình như Thử thách cùng bước nhảy, Cuộc đua kỳ thú… không sử dụng màn diễn trò của ban giám khảo, câu chuyện cá nhân của thí sinh, nhưng vẫn có lượng người xem ở top đầu của các chương trình THTT.
THTT là nhu cầu tất yếu của truyền hình thời hiện đại, nhưng cũng không thể vì đồng tiền bát gạo mà VTV quên đi chức năng giáo dục của chương trình truyền hình. Để siết lại cán cân giữa THTT và các loại hình truyền hình khác, ngoài việc mạnh tay xử lý vi phạm của cơ quan quản lý, cuộc bài trừ “sạn” truyền hình của khán giả, cần hơn ý thức làm nghề của những người làm truyền hình trong cơ chế “rửa sạch” sóng.
Chương trình “Giọng hát Việt nhí” bị khán giả kêu là người lớn hóa thiếu nhi. Ảnh: Phú Hưng
|