Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao từ cuối tháng 4 dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh hơn?

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, từ cuối tháng 4/2019 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan với tốc độ nhanh hơn thời điểm mới phát hiện hồi tháng 2/2019.

Tính đến nay, cả nước đã có 34 tỉnh, TP bị bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tổng đàn lợn bị tiêu hủy do mắc bệnh, nghi mắc bệnh là trên 1,5 triệu con (chiếm khoảng 5% tổng đàn lợn cả nước). Một số địa phương có tổng đàn lợn bị tiêu hủy lớn là: Thái Bình 301.000 con, Hải Dương 188.000 con, Hải Phòng 124.000 con, Hưng Yên 123.000 con, Bắc Ninh 104.000 con…
Riêng tại Hà Nội, đến nay 24/24 quận, huyện, thị xã có chăn nuôi lợn đã phát sinh dịch bệnh. Tổng đàn lợn bị tiêu hủy là trên 147.733 con (chiếm khoảng 7,9% tổng đàn lợn toàn TP).
 Tiêu hủy lợn bị dịch tả châu Phi tại huyện Sóc Sơn 
Hiện, cả nước đã có 62 ổ dịch tả lợn châu Phi được khống chế thành công. Trong đó, Hà Nội có 1 ổ dịch được khống chế là phường Ngọc Thụy, quận Long Biên. Đây cũng là ổ dịch phát sinh dịch tả lợn châu Phi đầu tiên của Hà Nội.
Lý giải về nguyên nhân khiến từ cuối tháng 4/2019 đến nay, dịch tả lợn châu Phi lây lan với tốc độ nhanh hơn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, thời tiết khí hậu là nguyên nhân chính.
“Chưa có năm nào mà cuối tháng 4, đầu tháng 5/2019, cả 3 miền Bắc Trung Nam đều có mưa phùn; hoa phượng và hoa bằng lăng cùng nở một dịp…” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói. Đây là điều kiện thuận lợi để vi rút gây dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh hơn.
Bên cạnh điều kiện thời tiết, vi rút gây bệnh dịch tả lợn châu Phi cũng có sức đề kháng rất cao, có thể tồn tại lâu bên ngoài môi trường, dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển, quần áo. Đặc biệt là trong các sản phẩm thịt lợn như xúc xích, dăm bông, salami, thậm chí trong điều kiện đông lạnh có thể tồn tại tới 1.000 ngày… Ngoài ra, dịch bệnh lây lan nhanh do đường lây truyền phức tạp, nhất là trong điều kiện chăn nuôi, vệ sinh thú y và an toàn sinh học không tốt…