Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao tỷ giá USD tăng?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu trao đổi với PV báo Kinh tế & Đô thị về những nguyên nhân khiến tỷ giá tăng thời gian gần đây. Theo ông Hiếu, nếu giá USD tiếp tục tăng sẽ tác động đến lạm phát.

Vì sao tỷ giá USD tăng? - Ảnh 1Từ đầu tuần trở lại đây, tỷ giá USD liên tục được các ngân hàng niêm yết theo hướng tăng mạnh. Nguyên nhân nào khiến tỷ giá “dậy sóng” ở thời điểm này, thưa ông?

- Đúng là thời gian này, cung - cầu trên thị trường ngoại hối vẫn ở thế cân bằng. Đây không phải là “mùa thanh toán” của các DN như thời điểm giáp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, tỷ giá VND/USD lại có “sóng” nhẹ. Theo tôi, tỷ giá tăng vì nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là do tâm lý đầu cơ. Có thể nhiều nhà đầu tư vẫn kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tăng tỷ giá nên mua vào, găm giữ USD để đầu cơ. Điều này sẽ khiến tỷ giá tăng.

Thứ hai, việc DN mua USD để thanh toán hàng nhập khẩu cũng gây áp lực lên thị trường ngoại hối. Thứ ba, hiện, nhiều nền kinh tế trên thế giới, trong đó có cả những nền kinh tế lớn như Nhật Bản, Anh, Hàn Quốc, Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ, Australia, Canada, Singapore, Thái Lan, Malaysia… đã điều chỉnh tăng tỷ giá. Việc điều chỉnh này đã hỗ trợ rất lớn cho xuất khẩu, khiến hàng hóa của các nước này bán ra ngoài rẻ hơn, hỗ trợ kinh tế phát triển. Trong bối cảnh đó, để tăng sức cạnh tranh, việc tỷ giá trong nước tăng thời gian qua cũng là điều dễ hiểu.

Đáng chú ý nhất, thị trường tiền tệ thời gian qua đang chờ đợi kết quả cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Và tại cuộc họp này (kết thúc vào rạng sáng 19/3 giờ Việt Nam), Fed để ngỏ khả năng tăng lãi suất USD. Tuy nhiên, Fed đã loại bỏ từ "kiên nhẫn" trong báo cáo chỉ dẫn về chính sách tiền tệ. Điều này có nghĩa là Fed đã “mở cánh cửa” cho khả năng nâng lãi suất sớm nhất thời gian tới. Ngay sau thông tin này, giá USD trên thị trường thế giới đã giảm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, đây chỉ là phản ứng tức thời khi một số nhà đầu cơ kỳ vọng USD sẽ tăng nên “ôm vào”. Vì thế, sau thông điệp của Fed, họ bán tháo khiến giá USD giảm. Nhưng về dài hạn, thông điệp tăng lãi suất đã rõ ràng nên giá USD sẽ vẫn tăng nhẹ. Giá USD trong nước chắc chắn cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Hoạt động kiểm tiền tại Chi nhánh Eximbank Hà Nội. 	Ảnh: Trần Việt
Hoạt động kiểm tiền tại Chi nhánh Eximbank Hà Nội. Ảnh: Trần Việt
Nhiều ý kiến cho rằng, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới có lúc lên đến 5 triệu đồng/lượng gần đây cũng là nguyên nhân khiến giá USD tăng. Ông nói gì về điều này?

- Thực tế, tiền và vàng luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau. Khi giá trị đối tượng này tăng, giá trị của đối tượng kia cũng theo đó đi lên. Chênh lệch giá vàng lớn sẽ khuyến khích đầu cơ, mua vàng để găm giữ. Do đó, muốn mua vàng nhập khẩu thì phải mua ngoại tệ để thanh toán. Điều này sẽ gây áp lực lên tỷ giá.

Nếu tỷ giá USD/VND tiếp tục tăng mạnh và NHNN chưa có động thái nào để can thiệp thì có ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế vĩ mô nói chung và DN nói riêng?

- Tỷ giá tăng sẽ hỗ trợ cho DN xuất khẩu và gây khó khăn cho DN nhập khẩu khi chi phí của DN nhập khẩu sẽ tăng lên. Nền kinh tế của Việt Nam vẫn chủ yếu là nhập khẩu nên khi chi phí của DN nhập khẩu tăng lên kéo theo việc tăng giá các hàng hóa nhập khẩu. Điều này sẽ tác động đến lạm phát.

Theo ông, NHNN có cân nhắc tăng tỷ giá thời điểm này? Nếu không, ông dự báo, thời điểm nào thì NHNN sẽ điều chỉnh tỷ giá?

- Theo tôi, thời gian này, NHNN sẽ chưa điều chỉnh tỷ giá vì cung - cầu ngoại tệ hiện vẫn cân bằng. Nếu NHNN kiên quyết giữ nguyên tỷ giá thì có thể, “quả bóng” tỷ giá sẽ nhanh chóng xì hơi.

Tất nhiên, NHNN sẽ theo dõi diễn biến của thị trường ngoại hối để có những điều chỉnh phù hợp nhưng không phải ở thời điểm này.

Xin cảm ơn ông!