Cho dù phía Mỹ nhiều lần quả quyết, từ Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Bộ trưởng ngoại giao nước này Mike Pompeo, là không chủ ý phát động chiến tranh với Iran và phía Iran cũng mới chỉ tuyên bố là sẽ đáp trả Mỹ chứ không đề cập đến chiến tranh, nguy cơ xảy ra chiến tranh giữa hai bên thật sự không thể được loại trừ hoàn toàn bởi tình hình tới đây vẫn có thể diễn biến vượt ra ngoài tầm kiểm soát của họ.
Mỹ xác nhận rằng vụ không kích sân bay quốc tế Baghdad đã giết chết thiếu tướng Qassem Soleimani - chỉ huy quân đội hàng đầu của Iran. |
Các nước Phương Tây thường cho rằng Iran không phải là đối thủ của Mỹ trong chiến tranh, tức là Iran chỉ có thể thua chứ không thể thắng được trong cuộc chiến tranh với Mỹ, nhưng dù có như thế đi chăng nữa thì Mỹ cũng làm sao có thể tránh được những thiệt hại rất nặng nề nếu xảy ra chiến tranh với Iran. Mỹ tuyên bố không có ý định chiến tranh với Iran không phải vì hoàn toàn không muốn mà vì không hoàn toàn tránh được những tổn thất to lớn nếu chiến tranh với Iran, tức là dẫu không thua to thì cũng thiệt nhiều.
Bước ngoặt bây giờ không phải là việc Mỹ không kích nhằm vào tổ chức Kaitab Hisbollah ở Iraq mà là việc Mỹ không kích sát hại tướng Qassem Soleimani, tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds trong Lực lượng Cận vệ cách mạng Hồi giáo của Iran. Người này quan trọng như thế nào đối với Iran có thể thấy được qua việc Iran quyết định quốc tang 3 ngày và tuyên bố sẽ trả thù. Không ít người cho rằng với việc ám sát tướng Soleimani của Iran, ông Trump đã tuyên chiến với Iran.
Ông Trump lại một lần nữa chứng tỏ có thể thay đổi nhanh chóng quan điểm và dễ dàng hành động bột phát như thế nào. Trước khi trở thành tổng thống Mỹ, người này kịch liệt phản đối các hoạt động quân sự và chiến tranh của Mỹ ở bên ngoài nước Mỹ.
Ông Trump có rất nhiều phát ngôn công khai cho rằng Tổng thống Mỹ Barack Obama chủ trương phát động chiến tranh với Iran để phục vụ cho mục tiêu được tái đắc cử tổng thống Mỹ (hồi năm 2011). Đúng là ông Obama có dọa nhưng đã không tiến hành chiến tranh với Iran. Trong 3 năm cầm quyền ở Mỹ đến nay, ông Trump đã làm găng và thể hiện thù địch Iran như chưa từng thấy ở những người tiền nhiệm nhưng cũng chưa từng lần nào sử dụng biện pháp quân sự nhằm trực tiếp vào một nhân vật nào đấy của Iran.
Cá nhân ông Soleimani thuộc diện những người phía Mỹ truy sát và sẵn sàng ám sát nhưng chưa thực hiện. Ông Trump chắc chắn thừa hiểu rằng việc ám sát ông Soleimani không giống như việc Mỹ tiêu diệt thủ lĩnh của mạng lưới khủng bố Al-Qeada hay tổ chức Nhà nước Hồi giáo về tác động, hậu quả và hệ lụy đối với Mỹ và thế giới.
Phía Iran chắc chắn sẽ có hành động nhằm vào Mỹ để trả thù cho ông Soleimani bởi nếu không thì không bảo toàn được thể diện, sẽ bị coi là yếu thế và thất thế so với Mỹ và sẽ bị sa sút ảnh hưởng và vai trò ở khu vực cũng như trên thế giới mà không còn có thể cứu vãn nổi.
Câu hỏi chưa được trả lời ở đây chỉ là Iran sẽ trả thù như thế nào, dưới hình thức và với mức độ như thế nào, ở đâu và bao giờ. Điều hiện có thể chắc chắn được là Mỹ từ nay không còn được yên ổn nữa ở khu vực này và thậm chí rất có thể còn cả ở bên ngoài khu vực.
Ông Trump hiện gặp khó khăn ở Mỹ bởi chuyện bị quốc hội tiến hành luận tội phế truất nhưng thật ra nhu cầu đối nội hiện không quá cấp thiết đối với ông Trump đến mức phải dùng đối ngoại để giúp trang trải. Cho nên xem ra, ông Trump quyết định thực hiện việc ám sát tướng Soleimani của Iran chủ yếu bởi 2 lý do chính. Thứ nhất, người này bị tác động tâm lý mạnh mẽ bởi hình ảnh người biểu tình ở Iraq tấn công vào trụ sở đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Baghdad của Iraq bởi nó gợi lại một trong những nỗi nhục nhã lớn nhất của nước Mỹ khi sinh viên Iran cách đây 40 năm xâm nhập vào và chiếm đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Tehran của Iran, bắt giữ 44 nhân viên ngoại giao của Mỹ làm con tin trong thời gian gần một năm rưỡi.
Ông Trump dùng việc ám sát tướng Soleimani để rửa hận này cho nước Mỹ, để trang trải việc Iran bắn rơi máy bay không người lái của Mỹ hồi giữa năm ngoái và để gây dựng hình ảnh về người lãnh đạo nước Mỹ hành động kiên quyết và cứng rắn đối với Iran, để nối nhục nhã xưa không tái diễn đối với nước Mỹ và để thể hiện mình khác biệt cơ bản so với những người tiền nhiệm.
Thứ hai, ông Trump tung đòn nhằm trực tiếp vào Iran nhưng với cả hàm ý răn đe và cảnh báo tất cả những tổ chức và lực lượng dân quân bán vũ trang thân Iran và được Iran hậu thuẫn ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh.
Khu vực này từ nay không còn như trước nữa. Không phải chuyện chống khủng bố, không phải các cuộc xung đột và nội chiến trong khu vực mà đối địch giữa Mỹ và Iran sẽ chi phối diễn biến tình hình trong thời gian tới mà chiến địa chính sẽ là Iraq. Ông Trump cam kết rút quân đội Mỹ tham gia các cuộc chiến tranh ở bên ngoài thì giờ đã phải đưa thêm binh lính đến Iraq. Tất cả các đồng minh của Mỹ ở khu vực này đều sẽ không thể tránh khỏi tình trạng bị vạ lây bởi vòng xoáy đối địch mới giữa Mỹ và Iran.
Mỹ và Iran sẽ không chiến tranh trực tiếp với nhau nhưng sẽ chiến tranh gián tiếp với nhau qua kẻ khác. Mỹ giờ không tránh khỏi buộc phải can dự quân sự sâu rộng hơn ở khu vực này chứ không thể giảm bớt như ông Trump chủ ý.
Những tác động, hậu quả và hệ lụy của việc ông Trump bắt đầu sử dụng biện pháp quân sự nhằm vào Iran và đồng minh của Tehran ở bên ngoài phạm vi lãnh thổ Iran không hẳn chỉ có lợi, chứ không hề bất cập hại gì đối với triển vọng ông Trump được tái đắc cử tổng thống Mỹ năm nay.