Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, lãnh đạo nhiều địa phương khẳng định, đây là thông tin chưa chính xác.
Theo đại diện UBND quận Hoàn Kiếm, UBND TP có chủ trương lát đá vỉa hè trên các tuyến phố để thực hiện Năm trật tự văn minh đô thị. Sau một năm thực hiện chủ trương này, quận Hoàn Kiếm đã lát đá cho 79 tuyến phố tại khu vực phố cổ và 40 tuyến phố khu vực phố cũ. Về thông tin phản ánh trên báo chí về việc vỉa hè một số tuyến đường lát đá tự nhiên bị xuống cấp, đại diện UBND quận Hoàn Kiếm cho rằng, đá tự nhiên không dễ tự vỡ. Nếu bị vỡ, chủ yếu là do những nguyên nhân khách quan, do tác động của ngoại lực, phụ thuộc vào lớp bê tông phía dưới có đạt chỉ tiêu chất lượng hay không. Thực tế cho thấy, tại một số tuyến phố sau khi được lát đá lại bị một số đơn vị ngành điện lực, cấp thoát nước, viễn thông... đào xới để thi công các công trình hạ ngầm, nhưng chất lượng bê tông hoàn trả lại không đảm bảo khiến vỉa hè bị lún sụt gây ra gẫy vỡ đá lát vỉa hè.
|
Lực lượng chức năng quận Thanh Xuân kiểm tra một số vỉa hè trên địa bàn chiều 22/11. Ảnh: Vũ Cúc |
Bên cạnh đó, một số người dân sinh sống ở khu phố cổ như Lò Rèn, Hàng Thiếc... sử dụng vỉa hè làm nơi sản xuất, điều này ảnh hưởng đến chất lượng một số điểm vỉa hè sau khi được lát đá. “Công trình lát đá vỉa hè mới được thi công và đưa vào sử dụng một năm nên vẫn nằm trong thời gian bảo hành, vì vậy, các điểm vỉa hè lún sụt, đá lát vỉa hè gẫy vỡ, DN thi công phải chịu trách nhiệm kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa” – đại diện UBND quận Hoàn Kiếm cho biết.
Đồng quan điểm trên, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng quận Thanh Xuân Lê Hồng Thắng chia sẻ, một số đoạn vỉa hè lát đá đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Xiển thuộc địa bàn quận bị bong tróc vỡ nát, nguyên nhân được xác định là do sau khi thi công tại thời điểm vữa lót chưa đạt cường độ đã bị tác động của phương tiện giao thông, thậm chí là lực tác động của phương tiện tải trọng lớn đi lên hè nên làm một số viên đá lát bị nứt.
Hiện, Ban QLDA đã kiểm tra báo cáo UBND quận Thanh Xuân chỉ đạo UBND, Công an các phường: Thanh Xuân Nam, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Trung, Thượng Đình, Khương Trung phải kiểm tra, kiểm soát quản lý vỉa hè và có hướng xử lý đối với các trường hợp vi phạm đi xe lên vỉa hè, đỗ ô tô lên vỉa hè, nghiêm cấm đục hè phố cũng như tuyên truyền, nhắc nhở để người dân hiểu và không xâm hại vỉa hè, cây xanh...
Về phía quận Cầu Giấy, Phó Chủ tịch UBND quận Trần Việt Hà khẳng định, thông tin phản ánh trên báo chí về việc vỉa hè một số tuyến đường lát đá tự nhiên bị xuống cấp, trong đó có địa phận của quận Cầu Giấy là chưa chính xác. Theo ông Hà, các tuyến đường như Trung Kính, Trần Duy Hưng vỉa hè mới chỉ được lát bằng gạch giả đá, không phải là đá tự nhiên và phần lớn được triển khai cách đây nhiều năm.
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị về những thông tin phản ánh nếu trên, ông Nguyễn Quang Huy – Phó Chi cục Giám định xây dựng, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, dự án lát vỉa hè bằng đá tự nhiên hiện do UBND các quận làm chủ đầu tư. Sở chỉ có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc các quận để đảm bảo chất lượng công trình đúng kỹ thuật và an toàn vệ sinh môi trường.
Theo ông Huy, UBND TP Hà Nội đã ban hành quy định về thiết kế mẫu. Trong đó quy định, nếu lát các loại đá có kích thước 30/30 hoặc 40/40, kích thước viên vỉa và kích thước viên hạ hè đều tính toán phù hợp ở khu vực người dân đi ô tô, xe máy vào nhà, cơ quan. Việc sử dụng viên bó vỉa, viên lát hè bằng đá tự nhiên (kích cỡ dày trên 4cm) sẽ đảm bảo độ bền 50 - 70 năm. Đặc biệt, cốt vỉa hè hiện không bị cập kênh như trước, hạn chế tối đa việc vỡ do thêm quy trình phủ lớp bê tông dày 8cm. Nếu dự án đầu tư phần vỉa hè do UBND các quận thực hiện, bám sát quy trình thiết kế và thi công trên, rất khó xảy ra tình trạng vỡ, nứt và hư hỏng như phản ánh.
Hiện tại, Sở Xây dựng Hà Nội đang thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội kiểm tra về tình trạng đá vỉa hè tại các quận như: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân và Hoàng Mai để có đánh giá tổng thể, đôn đốc các quận tuân thủ theo đúng kỹ thuật. Nếu có vấn đề bất cập sẽ báo cáo TP chỉ đạo. Riêng tại địa bàn quận nào có tình trạng đá vỉa hè bị vỡ, nứt, hư hỏng, Sở sẽ đề xuất phải thay toàn bộ tại khu vực xảy ra sự cố.