Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việc phải làm

Nguyên Đào
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không chỉ Hà Nội, mà bất cứ đô thị nào trên thế giới cũng phải có những chính sách riêng để quản lý phương tiện giao thông cho phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng.

Bởi ùn tắc giao thông đang gây thiệt hại không nhỏ cho sự phát triển kinh tế quốc gia, giảm hiệu suất lao động và tăng các chi phí không cần thiết trong quá trình sản xuất. Thậm chí, nguồn phát thải từ các phương tiện là tác nhân gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng.
Trong Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông (UTGT) và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030" được phê duyệt hôm 24/8 vừa qua, có quy định giao cơ quan chức năng "Lập Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn TP có nguy cơ UTGT và ô nhiễm môi trường để hạn chế xe cơ giới hoạt động". Khi Đề án được phê duyệt, trong một tuần qua, tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận. Bởi câu chuyện dự tính thu phí phương tiện giao thông vào nội đô tại Hà Nội đã được đề xuất cách đây quãng 5 năm. Khi đó, trước tình trạng UTGT nghiêm trọng, một lãnh đạo của Công an TP đã mạnh dạn đề xuất: Hà Nội cần giảm phương tiện giao thông cá nhân bằng cách thu phí vào nội thành và hạn chế tối đa việc lái ô tô cá nhân vào nội thành chỉ để... đi chơi.
Trên thực tế, tại các nước châu Âu như Italia, Anh, Pháp, Thụy Điển..., hay châu Á như Singapore, Indonesia... đều đã thực hiện thu phí phương tiện khi vào nội đô trong giờ cao điểm, và đó được xem như một biện pháp để quản lý giao thông hiệu quả. Như Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên từng chia sẻ: "Tôi nghĩ việc thu phí ô tô vào nội đô cũng sẽ góp phần làm giảm ùn tắc. Nước ngoài đã từng áp dụng hình thức thu phí rất cao vào giờ cao điểm và thấp vào giờ thấp điểm nhằm hạn chế xe vào nội đô. Ngoài ra, người dân cũng tự ý thức "túi tiền" của mình để tránh các giờ thu phí cao".
Đáng chú ý, nhiều báo cáo đã phân tích, chỉ rõ tốc độ gia tăng phương tiện giao thông tại Hà Nội rất lớn (khoảng 10%/năm), trong khi kết cấu hạ tầng đường bộ chỉ tăng 3 - 4%/năm, quỹ đất dành cho giao thông chưa đến 1%/năm. Điều này khiến UTGT ngày càng tăng. Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm môi trường đang ngày càng báo động với khí thải của phương tiện giao thông chiếm đến 70%. Dự báo, đến năm 2025, Hà Nội sẽ có 1,3 triệu ô tô và 7,3 triệu xe máy; năm 2030 có 1,7 triệu ô tô và 7,7 triệu xe máy. Trong khi đó, việc chiếm dụng mặt đường của phương tiện là 85,8%. Với dự báo này, từ năm 2025 - 2030, trong Vành đai 3, phương tiện cơ giới cá nhân sẽ vượt năng lực đáp ứng của hệ thống đường đô thị 7,5 lần và 10,6 lần, tức là các phương tiện giao thông không thể di chuyển. Do vậy, trong 2 năm trở lại đây, tại những hội thảo khoa học về giải pháp chống UTGT nội đô, đã có những kiến nghị Hà Nội nên thực hiện thu phí ô tô cá nhân đi vào giờ cao điểm; tổ chức đỗ xe, hoặc tổ chức lưu thông xe ô tô theo ngày chẵn, lẻ trên các tuyến phố trung tâm.
Đưa ra lộ trình đến năm 2030 sẽ hạn chế phương tiện cá nhân và áp dụng một số chính sách liên quan, trong đó có dự tính thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn TP không chỉ giúp giảm UTGT mà còn giúp cho việc vận hành quản lý đô thị ngày càng tốt hơn.