Đáng chú ý là Việt Nam đã tích cực hội nhập hơn nữa vào hệ thống kinh tế quốc tế, bao gồm việc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007 và ký kết một loạt hiệp định thương mại tự do như là biện pháp để củng cố sự thay đổi trong nước.
Theo bài viết, trong thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã nổi lên như là câu chuyện kinh tế hấp dẫn nhất ở Đông Nam Á. Không phải vì đây là nền kinh tế lớn nhất trong khu vực hay có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất mà đó là vì công cuộc tái cơ cấu kinh tế đã mang lại nhiều thành tựu ấn tượng về của cải, thương mại và đầu tư – trong khi gần như không làm thay đổi cơ cấu quyền lực căn bản của nước này.
Giữa tháng 11/2017, sự chú ý của các nhà hoạch định chính sách và giới chuyên gia kinh tế thế giới đã tập trung vào vị trí ít người nghĩ tới là Đà Nẵng, một thành phố ven biển ở miền Trung Việt Nam, nơi tổ chức hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).
Mặc dù các cuộc gặp gỡ của Tổng thống Donald Trump với các nhà lãnh đạo thế giới như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thu hút nhiều sự chú ý nhất, song quan trọng hơn cả là một loạt cuộc gặp gỡ bên lề hội nghị.
11 trong số 12 nước ký kết TPP (hay còn gọi là “TPP-11”) đã họp để tìm kiếm một hướng đi cho thỏa thuận thương mại “chất lượng cao” này, mà tương lai của nó đã bị đảo lộn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump giữ lời hứa trong chiến dịch tranh cử và rút Mỹ khỏi TPP vào tháng 1/2017.
Là thành viên có thu nhập thấp nhất trong TPP, và là một đất nước phụ thuộc vào thương mại, Việt Nam là một điển hình đối với việc tự do hóa thương mại đa phương trong tương lai.
Sự hội nhập vào nền kinh tế thế giới đã mang lại cho Việt Nam những lợi ích đầy ấn tượng về của cải, thương mại và đầu tư, nhưng cũng mang lại nhiều thách thức mới, bao gồm việc giải quyết quyền sở hữu nhà nước về kinh tế, tăng năng suất và phát triển một khu vực tư nhân có sức cạnh tranh.
Mặc dù các lợi ích mà Việt Nam có thể mong đợi trong khuôn khổ hiệp định 11 nước này không to lớn như khi Mỹ cũng tham gia, nhưng họ vẫn sẽ hưởng lợi từ các cơ hội thương mại mở rộng, nhiều nguồn đầu tư hơn để giải quyết một số thách thức gai góc trong nền kinh tế trong nước.
Có lẽ quan trọng nhất là Việt Nam sẽ là một phần trong mảnh ghép chính của cấu trúc tự do hóa thương mại đa phương trong tương lai ở khu vực. Mặc dù không phải liều thuốc chữa bách bệnh, nhưng một khuôn khổ như CPTPP dựa trên các thể chế và tiêu chuẩn về chất lượng trong nước sẽ giúp Việt Nam đối phó với các thách thức kinh tế cấp bách nhất của mình.
Việt Nam là một trong những nước có thành tích kinh tế nổi bật ở Đông Nam Á. Nước này có nền tảng căn bản mạnh mẽ với nhân khẩu học thuận lợi, phân phối thu nhập tốt và nguồn nhân lực hấp dẫn so với các nước tương tự. Với dân số hơn 90 triệu người và một tầng lớp trung lưu đang gia tăng, Việt Nam đang ngày càng trở thành thị trường hấp dẫn bằng thực lực của mình.
Tất cả điều này được phản ánh trong thành tích kinh tế ấn tượng của Việt Nam. Nước này được quảng bá một cách chính đáng như là bằng chứng về những lợi ích tiềm năng dành cho những nước đang phát triển lựa chọn mở cửa và thương mại.
Trong những năm 2000, GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng trung bình 7,9% mỗi năm. Từ năm 2010, tỷ lệ tăng trưởng hàng năm đạt mức trung bình 6,5% và năm 2016 đạt 6,4%.
Sau khi gia nhập WTO vào năm 2007, xuất khẩu của Việt Nam đã tăng hơn gấp 3 lần từ 45 tỷ USD năm 2006 lên đến 190 tỷ USD vào năm 2016. Cùng kỳ, thương mại hàng hóa như một phần của GDP đã tăng từ 127% năm 2006 lên đến 173% năm 2017.
Sự phụ thuộc vào thương mại của Việt Nam không đứng quá xa đằng sau nền kinh tế Singapore (206% GDP) và vượt xa các nước trong khu vực như Malaysia (120%), Thái Lan (100%) và Indonesia (30%).
Một loạt 16 thỏa thuận thương mại tự do (FTA) đã giúp Việt Nam càng gắn kết sâu sắc trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Sự ổn định chính trị của Việt Nam, chi phí nhân công thấp, các điều kiện ưu đãi về thuế và đầu tư cùng với các FTA đã khiến nước này nổi lên như là một nước xuất khẩu hấp dẫn đối với các thị trường phát triển hơn.
Việt Nam đã thu hút được lượng lớn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), bao gồm kỷ lục 15,8 tỷ USD trong năm 2016, tăng 9% so với năm 2015.
Các công ty đa quốc gia về công nghệ như Intel và Samsung, lắp ráp gần 1/3 số điện thoại thông minh ở Việt Nam, là những nhà đầu tư lớn ở nước này.
Điện thoại di động và các phụ tùng có liên quan hiện chiếm tới 20% hàng xuất khẩu của Việt Nam. Nước này cũng là nhà cung cấp hàng may mặc lớn thứ 2 cho Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Các nhà hoạch định chính sách đã áp dụng cách tiếp cận thực tế để đưa vào các tính năng thị trường và nới lỏng sự kiểm soát của việc kế hoạch hóa tập trung. 3 đặc điểm nổi bật là: tạo điều kiện cho thương mại và chuỗi giá trị toàn cầu để thúc đẩy xuất khẩu; triển khai các cam kết bên ngoài để ổn định các cải cách đã được nhất trí trong nước; và tái cơ cấu nền kinh tế chính trị hiện thời trong khi không làm ảnh hưởng đến các cấu trúc quyền lực chi phối khác.
Những thách thức cấp bách nhất đi liền với nhu cầu là duy trì tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao của nước này. Việt Nam đã trải qua 3 khó khăn trong việc tái cơ cấu nền kinh tế: giải quyết các khoản nợ xấu trong ngành ngân hàng, hợp lý hóa khu vực nhà nước, và cải thiện chất lượng đầu tư công. 3 vấn đề này liên quan chặt chẽ với nhau.
Về nợ xấu, việc giải quyết khoản nợ tồn đọng này vẫn còn rất khó khăn. Chính phủ Việt Nam đã ban hành lộ trình tái cơ cấu ngành ngân hàng vào năm 2012. Một số ít ngân hàng yếu kém được sáp nhập, và vào năm 2013, Công ty quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) đã được thành lập.
VAMC đã hoán đổi các khoản nợ xấu có ảnh hưởng tới ngân hàng để đổi lấy các “trái phiếu đặc biệt” do VAMC phát hành làm thế chấp để vay tiền từ ngân hàng trung ương.
Tháng 6/2015, các khoản nợ xấu chính thức giảm từ hơn 17% tổng tài sản ngân hàng xuống còn dưới 4%. Chiến lược này đã thành công vì nó ngăn chặn được nợ xấu và cho phép hầu hết các ngân hàng tiếp tục hoạt động trong khi tránh một cuộc khủng hoảng đang có nguy cơ xảy ra. Tuy nhiên, quy mô của các khoản nợ khiến nền kinh tế rất khó để phát triển vượt bậc ngay cả khi đang tăng trưởng mạnh.
Về vốn doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước chịu trách nhiệm về phần lớn các khoản nợ xấu của Việt Nam và là chất xúc tác cho các khó khăn trong khu vực ngân hàng.
Việt Nam vẫn duy trì đa số cổ phần trong hơn 3000 doanh nghiệp nhà nước. Mặc dù các doanh nghiệp này chiếm khoảng 30% GDP và khoảng 40% tổng đầu tư, nhưng đóng góp của họ trong hoạt động kinh tế vẫn không thay đổi kể từ năm 1990.
Các doanh nghiệp nhà nước này cũng cung cấp chưa đến 5% tổng số việc làm; ước tính 92% số việc làm đến từ các công ty tư nhân nhỏ. Các doanh nghiệp nhà nước luôn tăng trưởng chậm hơn và sử dụng vốn kém hiệu quả hơn so với các doanh nghiệp khác, chiếm các nguồn lực và cản trở sự phát triển của khu vực tư nhân trong quá trình này.
Về vấn đề cải thiện đầu tư công, Chính phủ Việt Nam thiếu không gian tài chính để giảm bớt các khoản nợ xấu hay bảo lãnh doanh nghiệp nhà nước. 3 ưu tiên tái cơ cấu của Việt Nam – nợ xấu trong khu vực ngân hàng, cải cách các doanh nghiệp nhà nước và đầu tư công – tất cả đều liên quan tới thách thức về tình trạng thiếu các doanh nghiệp quy mô vừa.
Bất chấp thành công của Việt Nam trong việc thúc đẩy đầu tư và xuất khẩu, việc phát triển khu vực tư nhân trong nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Những kết quả của 3 thập kỷ chuyển đổi kinh tế của Việt Nam đều rất ấn tượng. Một loạt yếu tố đã giúp Việt Nam thu hút đầu tư và tăng cường xuất khẩu bao gồm: một cơ chế đầu tư cạnh tranh; tự do hóa thương mại; việc tham gia hệ thống kinh tế quốc tế; sự ổn định chính trị và chi phí lao động thấp.
Con đường tái cơ cấu nền kinh tế là thực tiễn và đa dạng. Các nhà hoạch định kinh tế của Việt Nam đã đưa ra lý do cho việc xác định thị trường là một cách để khuyến khích sản xuất và thương mại hơn nữa./.