Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt hóa “Hamlet” - có kéo được khán giả?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cảnh diễn trong vở kịch "Hamlet" của Nhà hát Kịch Việt Nam.

Ngày 3/11, vở kịch kinh điển “Hamlet” sẽ trở lại sân khấu Việt sau 5 năm vắng bóng. Lần này, kịch bản nổi tiếng của Shakespeare do Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng với tinh thần được Việt hóa từ ngôn ngữ đến âm nhạc. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lo lắng cho số phận của vở diễn khi ra mắt công chúng.

 
Cảnh diễn trong vở kịch "Hamlet" của Nhà hát Kịch Việt Nam.
Kinhtedothi - Cảnh diễn trong vở kịch "Hamlet" của Nhà hát Kịch Việt Nam.
Thực tế, vở kịch “Hamlet” đã từng được dàn dựng hai bản ở Việt Nam: Bản thứ nhất do Nhà hát Kịch Hà Nội dàn dựng năm 2002 và bản thứ hai mang dáng vóc kịch hình thể của Nhà hát Tuổi trẻ. Thế nhưng, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái lại đánh giá không cao các bản dựng này, bởi bằng chứng là vở diễn không nhận được sự quan tâm của giới chuyên môn cũng như khán giả. Vở diễn ra mắt rồi chìm vào quên lãng. Chưa biết bản dựng “Hamlet” của Nhà hát Kịch Việt Nam thành công đến đâu, nhưng rõ đây là một “cuộc chơi” tốn kém cho chính kịch. Chưa kể thời gian nung nấu ý tưởng, NSƯT Anh Tú – đạo diễn “Hamlet” lần này mất hơn một năm để đầu tư công sức dàn dựng. Ngoài ra, đạo diễn Anh Tú đã phải mời ba chuyên gia tư vấn, “vỡ chữ” để chuyển tải ngôn ngữ từ kịch bản văn học của đại thi hào sang ngôn ngữ ngày nay. Điều này cũng chứng tỏ phiên bản dựng thứ 3 tại Việt Nam không quá trung thành với kịch bản gốc như lần dựng năm 2002.

Đón xem bản tổng duyệt, nhiều chuyên gia cho rằng “Hamlet” của Nhà hát Kịch Việt Nam đã được Việt hóa. Vở kịch được Việt hóa từ lời thơ song thất lục bát, nhịp trống, cho đến hóa trang (giữ nguyên hình ảnh mà không cố làm Tây hóa diễn viên). Thiết kế sân khấu của vở diễn cũng được NSND Doãn Châu xây dựng theo phong cách “động”. Đây cũng là lần đầu tiên hai nghệ sĩ có ý tưởng thực hiện một sân khấu như vậy, để diễn viên được trợ giúp trong việc lột tả câu chuyện. Kịch bản của Shakespeare được biên tập, cắt bỏ khá mạnh những chi tiết không phục vụ cho ý tưởng chính. Không chỉ vậy, một số lớp diễn vốn không có trong kịch bản cũng được đạo diễn này phát triển thêm. Cũng có nhiều người vừa ý với cách Việt hóa vở diễn, nhưng nhiều khán giả quen với lối dàn dựng kinh điển quen thuộc nên chưa thật hài lòng. Nhà báo, nhà biên kịch Lê Quý Hiền nằm trong đối tượng vừa lòng với vở diễn nên cho rằng: “Tuy Việt hóa nhưng vở diễn vẫn giữ nguyên được chất Shakespear”. Đạo diễn Anh Tú cho rằng: “Tôi dàn dựng cho khán giả Việt ngày hôm nay có thể đón xem”, nên cũng khó để có thể vừa lòng tất cả khán giả.

Sau đêm tổng duyệt, Nhà hát Kịch Việt Nam dự kiến sẽ công diễn một buổi tại Nhà hát lớn Hà Nội (tối ngày 3/11), sau đó diễn thường niên vào thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần tại sân khấu của Nhà hát. Vở diễn được đầu tư tiền tỷ, nhưng giá vé đưa ra khởi điểm chỉ 1 triệu đồng/vé. “Giá vé này là phép thử của Nhà hát về nhu cầu xem kịch cổ điển của khán giả bây giờ. Chỉ mười hay hơn mười người đặt chân tới Nhà hát lớn vào tối 3/11 tới, chúng tôi vẫn trân trọng” - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam chia sẻ. Cho dù “Hamlet” đã được Việt hóa, được bán với giá vé “mềm” cũng khó để khẳng định vở kịch sẽ thu hút số đông người xem. Bởi vì, khán giả luôn là bài toán đau đầu của chính kịch. Rất có thể “Hamlet” sẽ mãi là “cuộc chơi” thỏa mãn nhu cầu sáng tạo của người nghệ sĩ.