Việc cần làm ngay là cải cách thể chế, sửa đổi luật cho phù hợp, đồng thời phổ biến các nội dung của hiệp định này tới các DN.
Phải bài bản, cải cách thể chếTrước thềm CPTPP, bà Phạm Chi Lan bày tỏ sự lo lắng, là một trong những nước có trình độ phát triển kinh tế thấp nhất trong số các nước thành viên CPTPP nên Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức trong việc xử lý những vấn đề mới. Thông qua việc đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn cao, về minh bạch hóa, các quy định về bảo hộ, sở hữu trí tuệ, cũng như các cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ. Cùng với đó, phải giải quyết được các vấn đề còn mâu thuẫn giữa pháp luật trong nước với quy định của CPTPP.
|
Các đại biểu nhấn nút thông qua Hiệp định CPTPP. Ảnh: Duy Linh |
CPTPP không chỉ đề cập đến thương mại đầu tư mà còn đề cập đến vấn đề lao động, môi trường, cải cách thể chế, mua sắm Chính phủ, DNNN… và quy định nhiều cơ chế thương mại mới, như cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư giữa nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài với Chính phủ nước sở tại thông qua trọng tài thương mại của các tổ chức quốc tế thay vì trọng tài thương mại ở chính nước tiếp nhận đầu tư.
"Chiều 12/11, với 100% đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã biểu quyết và thông qua Nghị quyết Phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cùng các văn kiện liên quan (CPTPP). Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ với các “rào cản” tăng lên, hiệp định CPTPP với 500 triệu dân, bao phủ 13,5% GDP toàn cầu chính là cơ hội lớn cho các DN xuất khẩu. " - Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển
"Không chỉ sân chơi CPTPP, mà khi tham gia bất kỳ sân chơi hội nhập chung nào, sự bình đẳng và cạnh tranh sòng phẳng bằng chất lượng sẽ là yếu tố sống còn. Với ngành thép, nếu DN chỉ có thể đưa ra các sản phẩm với chất lượng tầm trung, thiếu hàm lượng công nghệ, không rõ ràng về năng suất lao động và bảo vệ môi trường thì chắc chắn sản phẩm đó sẽ không thể cạnh tranh." - Chủ tịch Tổng Công ty Thép Việt Nam Nghiêm Xuân Đa |
“Với CPTPP, nếu một cơ quan địa phương từ chối cấp giấy phép cho NĐT một cách không chính đáng, vi phạm cam kết tại CPTPP thì NĐT có thể kiện ra tổ chức trọng tài. Và án phí, tiền thuê luật sư mà bên thua kiện phải trả có thể lên tới hàng chục triệu USD” - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công thương) Ngô Chung Khanh nêu ví dụ. Để tránh các vụ kiện của các NĐT nước ngoài đối với Chính phủ và chính quyền địa phương, theo các chuyên gia, cần tuyên truyền cho các cấp chính quyền hiểu sâu về CPTPP, qua đó biết cách áp dụng pháp luật cho phù hợp với thông lệ quốc tế
Tiếp sức cho doanh nghiệpCPTPP có tác động đến nhiều ngành kinh tế, cũng như các DN. Với các FTA “truyền thống” trước đây, mức độ “mở cửa” của Việt Nam là khá thận trọng (trừ các cam kết với ASEAN). Với hai hiệp định thế hệ mới là FTA Việt Nam - EU và CPTPP, mức cam kết cắt giảm thuế lên gần như tối đa. Đặc biệt với CPTPP, mức cắt giảm lên tới gần 100%, tức gần như toàn bộ các dòng thuế đều sẽ về 0%. Nên việc hàng Việt thất thế ngay trên sân nhà không còn dừng ở nguy cơ nữa mà đã trở thành một thực tế hiện hữu. Với CPTPP, quá trình đó còn có thể được thúc đẩy nhanh hơn.
Do Việt Nam đã ký FTA với 7/10 nước thành viên CPTPP nên sức ép cạnh tranh tăng thêm do mở cửa thị trường chỉ đến từ 3 nước là: Canada, Mehico và Peru. Xét theo mặt hàng, thịt lợn, thịt gà là những mặt hàng có thể gặp phải sự cạnh tranh từ hàng nhập khẩu do sức cạnh tranh còn yếu. Ngoài ra, một số sản phẩm có thể gặp khó khăn như giấy, thép, ô tô... Về thương mại dịch vụ và đầu tư, một số ngành như dịch vụ quảng cáo, logistics có thể đối mặt với thách thức về cạnh tranh. Các chuyên gia cũng cảnh báo Việt Nam cần đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và ngăn chặn tình trạng mượn xuất xứ nhằm hưởng lợi từ CPTPP.
Hiện tại, một vấn đề đang khiến các đại biểu Quốc hội cũng như các chuyên gia lo ngại là việc phổ biến các nội dung của Hiệp định tới các DN còn hạn chế, trong khi đây là lực lượng có vai trò quan trọng trong hiện thực hóa các cơ hội do CPTTP mang lại. Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, các DN chưa tiếp cận được các nội dung của CPTPP. “Điều này nếu không sớm được khắc phục, cũng như thiếu các giải pháp hỗ trợ cho DN thì thách thức khi tham gia CPTPP sẽ lớn hơn so với cơ hội mang lại”- ông Lộc nhấn mạnh.
Sân chơi lớn của CPTPP tại Việt Nam đã thực sự khởi động, do đó cần xây dựng, triển khai hiệu quả, thông tin, tuyên truyền kịp thời, đầy đủ nội dung Hiệp định để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của hệ thống chính trị, DN và người dân. Bên cạnh đó, cần giữ nghiêm kỷ cương, xử lý nghiêm tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn với NĐT, bởi môi trường đầu tư không tốt thì CPTPP hay bất cứ hiệp định thương mại nào cũng không thể phát huy hiệu quả đối với nền kinh tế.