Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt Nam chưa có một chính sách toàn diện về cạnh tranh

theo VOV.VN
Chia sẻ Zalo

Tiến sỹ Đặng Quang Vinh cho rằng, Việt Nam hiện chưa có một chính sách toàn diện về cạnh tranh; hệ thống pháp luật về cạnh tranh chưa đầy đủ, chưa có hiệu lực.

Ngày 2/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo Hoàn thiện chính sách cạnh tranh trong các ngành mạng lưới: Kinh nghiệm quốc tế và bài học đối với Việt Nam.
Tiến sỹ Đặng Quang Vinh, Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, Việt Nam hiện chưa có một chính sách toàn diện về cạnh tranh; hệ thống pháp luật về cạnh tranh chưa đầy đủ, chưa có hiệu lực; cơ quan thi hành pháp luật cạnh tranh thiếu tính độc lập, thiếu năng lực và chưa đủ mạnh.
 Hội thảo Hoàn thiện chính sách cạnh tranh trong các ngành mạng lưới
Bên cạnh đó, mặc dù nội dung chính của chính sách cạnh tranh là chống độc quyền, chống lạm dụng các vị trí thống lĩnh thị trường, những hành vi phản cạnh tranh, song trên thực tế, việc điều tra, xử lý chưa hiệu quả.
“Việc tạo dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh và hiệu quả chưa được như mong muốn. Vẫn còn rất nhiều ngành nghề kinh doanh có điều kiện và các điều kiện đó thường phức tạp, làm cho các nhà đầu tư nhỏ khó tiếp cận thị trường. Sân chơi giữa các doanh nghiệp cũng chưa bình đẳng, thể hiện ở chỗ các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI có nhiều cơ hội, ưu đãi, tiếp cận nguồn lực tốt hơn doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam”, TS. Đặng Quang Vinh cho biết.
Tại hội thảo, ông Warren Mundy, chuyên gia tư vấn về cạnh tranh của Australia cho rằng, để thị trường cạnh tranh lành mạnh, xây dựng thể chế là điều kiện đặc biệt quan trọng.
“Để tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp Nhà nước với doanh nghiệp tư nhân trong quá trình chuyển đổi, cần tách các doanh nghiệp Nhà nước thành các doanh nghiệp hoạt động theo nguyên tắc thị trường. Đồng thời, cho phép doanh nghiệp khu vực tư nhân tham gia thị trường với các doanh nghiệp mới gia nhập hoặc bán các doanh nghiệp cũ. Việc cạnh tranh bình đẳng sẽ giúp cho quá trình này chuyển đổi”, ông Warren Mundy tư vấn.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, Nhà nước cần hoàn thiện pháp luật cạnh tranh theo thông lệ quốc tế, giảm ngoại lệ, quy định rõ chế tài hành vi của doanh nghiệp độc quyền Nhà nước và cơ quan Nhà nước.
Bên cạnh đó, cần tạo dựng sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp; cải cách thể chế về gia nhập thị trường, giảm các ngành nghề kinh doanh có điều kiện; loại bỏ các rào cản không cần thiết để tạo dựng một môi trường kinh doanh cạnh tranh, bình đẳng.