Cập nhật Báo cáo tình hình kinh tế khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, ông Sudhir Shetty, Chuyên gia Kinh tế trưởng khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, cho biết tốc độ tăng trưởng tại các nước đang phát triển khu vực Đông Á-Thái Bình Dương sẽ giảm nhẹ trong năm 2014, tăng trưởng ở mức 6,9% trong năm 2014 và năm 2015, giảm so với mức 7,2% vào năm 2013.
Báo cáo cũng đưa ra những khuyến nghị chính sách cho các quốc gia khác nhau nhằm giải quyết những rủi ro và bắt đầu đi theo con đường phát triển bền vững.
Báo cáo cũng bàn về những cải cách cơ cấu trong dài hạn mà sẽ giúp các quốc gia có thể tối đa hóa những lợi ích từ sự phục hồi toàn cầu.
Những cải cách then chốt bao gồm tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cải thiện hậu cần thương mại, tự do hóa các dịch vụ và đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Báo cáo cũng khuyến nghị rằng cần có một chiến lược toàn diện nhằm giải quyết các vấn đề lao động đó là tạo được kỹ năng mà thị trường lao động cần.
Đánh giá nỗ lực của Việt Nam trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Sandeep Mahajan, nhấn mạnh Việt Nam đang thực hiện chương trình tái cấu trúc nền kinh tế với các chương trình tái cấu trúc ngành ngân hàng, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước và nâng cấp cơ sở hạ tầng; trong đó có hoạt động nâng cấp cơ sở hạ tầng xuất khẩu, tăng nguồn cung ứng, cải thiện thương mại vận chuyển, dịch vụ thương mại, dịch vụ hải quan ở cảng biển, hàng không...
Ông Sandeep Mahajan nhận xét: “Việt Nam rất có điều kiện để hưởng lợi từ sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu vì Việt Nam xuất khẩu nhiều, chủ yếu tăng trưởng nhờ xuất khẩu và hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì thế khi nền kinh tế của Mỹ, châu Âu khởi sắc thì đó là tin tốt đối với sự tăng trưởng của Việt Nam.”
Ông Sandeep Mahajan cho rằng tái cấu trúc kinh tế là quy trình rất phức tạp. Chương trình này thực hiện được phải ban hành luật, chính sách, phải có thị trường mạnh để các doanh nghiệp có thể bán được cổ phần khi đưa ra thị trường.
Trong thời gian vừa qua do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, niềm tin của khu vực tư nhân trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam giảm đi. Vì thế nhu cầu mua cổ phần của các doanh nghiệp này không cao và đây là một trong những yếu tố cản trở quá trình tái cấu trúc kinh tế.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
|