Việt Nam còn nhiều dư địa tăng trưởng

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tăng trưởng kinh tế quý I/2024 đạt mức 5,66%, vượt kịch bản đề ra. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất các quý I từ năm 2020 đến nay. Tuy vậy, Việt Nam còn dư địa để triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng.

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH 4P, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Phạm Kiên
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH 4P, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Phạm Kiên

GDP quý I tăng vượt kịch bản nhờ vào yếu tố nào?

Trong quý I/2024, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng tốt hơn cùng kỳ năm trước, đạt mức tăng trưởng cao nhất trong ba khu vực 6,28% (riêng công nghiệp tăng 6,18%), cao hơn nhiều so với kịch bản cao 5,5% đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ.

Cầu tiêu dùng vẫn duy trì khá, thể hiện qua tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2024 tăng trên 8%. Hoạt động du lịch tăng trưởng mạnh mẽ với hơn 4,6 triệu lượt người trong 3 tháng đầu năm, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2023 tạo động lực lan tỏa tới tăng trưởng của nhiều ngành dịch vụ thị trường khác, như: lưu trú, ăn uống, vận tải, vui chơi giải trí, lữ hành.

Xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục là điểm sáng của kinh tế Việt Nam. Đầu tư, đặc biệt đầu tư nước ngoài và đầu tư của Nhà nước khởi sắc. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong quý I/2024 đạt khá, giúp hỗ trợ tăng trưởng cho toàn nền kinh tế trong ngắn hạn và dài hạn.

Bên cạnh đó, công nghiệp chế biến đang có dấu hiệu tăng trở lại cũng là một chỉ báo cho xu hướng phục hồi kinh tế tốt hơn cho Việt Nam trong thời gian tới.

Đối chiếu kịch bản tăng trưởng trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5/1/2024, mục tiêu tăng trưởng năm 2024 đạt từ 6,0 - 6,5%, trong đó, quý I/2024 có mức tăng từ 5,2 - 5,6%, có thể thấy, kết quả tăng trưởng quý I/2024 đạt 5,66% đã vượt kịch bản đề ra.

Tuy vậy, theo các chuyên gia, nỗi lo không nhỏ trước nguy cơ kinh tế Việt Nam ngày càng phụ thuộc lớn hơn vào khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Hoạt động đầu tư giữa các khu vực có sự phân hóa lớn. Trong khi khu vực FDI tăng 8,9%, khu vực Nhà nước tăng 4,9% còn khu vực ngoài Nhà nước chỉ tăng 4,2%.

Do đó, cần kích cầu tiêu dùng nội địa trong bối cảnh hiện nay, có chính sách thúc đẩy thị trường lao động phục hồi, từ đó cải thiện thu nhập các hộ gia đình. Các dự án đầu tư công cần phải được đẩy nhanh tiến độ và giải ngân mạnh mẽ hơn trong 3 quý còn lại của năm, để mang đến tác động lan tỏa cho khu vực tư nhân, từ đó cũng sẽ góp phần giúp thị trường lao động phục hồi.

Tín dụng quý I (tính đến ngày 25/3) chỉ tăng nhẹ 0,26% so với đầu năm phản ánh nhu cầu vay và sức hấp thụ vốn trong nền kinh tế vẫn đang ở mức thấp.

Cùng với đó, các chính sách mở rộng tài khóa khác như miễn giảm thuế tiếp tục được thực thi, kích thích các hoạt động cho vay, ưu tiên rót vốn vào khu vực sản xuất đồng thời phải giữ được mặt bằng lãi suất ổn định, là những điều kiện tiên quyết để thúc đẩy tăng trưởng.

Khai thác các động lực tăng trưởng

 

Trong nội tại nền kinh tế Việt Nam, đầu tư tư nhân đang ở mức rất thấp. Việt Nam cần phục hồi kinh tế tư nhân, cùng với đó dần phục hồi chi tiêu tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản cũng gặp nhiều khó khăn. Do đó, cần có nhiều chính sách để hỗ trợ các lĩnh vực này.

Chuyên gia Kinh tế cấp cao của WB tại Việt Nam Dorsati Madani

Bộ KH&ĐT dự báo hai kịch bản tăng trưởng năm 2024. Kịch bản 1 là tăng trưởng GDP đạt 6% và kịch bản 2 là tăng trưởng 6,5%. Theo đó, Bộ KH&ĐT kiến nghị lựa chọn kịch bản tăng trưởng 2 (cận trên mục tiêu Quốc hội quyết nghị).

Với kịch bản 2 thì 9 tháng cuối năm phải tăng khoảng 6,75%; trong đó, tăng trưởng quý II là 6,32%, quý III và quý IV lần lượt là 6,79% và 7,08%. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp. Trong đó, có các giải pháp, chính sách hỗ trợ sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.

“Cần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; khai thác tối đa động lực tăng trưởng mới từ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh. Cùng với đó, thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, tạo thuận lợi tối đa, tháo gỡ khó khăn tiếp cận vốn tín dụng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cần khẩn trương nghiên cứu, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét quy định gia hạn thuế, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; nghiên cứu chính sách giảm phí, lệ phí năm 2024. Đồng thời, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện giảm thuế suất thuế VAT để báo cáo Quốc hội xem xét thực hiện trong 6 tháng cuối năm tại Kỳ họp thứ 7.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm; kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc về nguồn cung cát, đá... để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, sân bay, cảng biển, đường cao tốc, dự án liên vùng, liên tỉnh, hạ tầng năng lượng.

Tăng năng suất lao động, cải thiện môi trường kinh doanh

Việt Nam hiện là điểm sáng trong phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, được các quốc gia và tổ chức quốc tế đánh giá cao. Nước ta đứng thứ 35 về quy mô kinh tế và nằm trong top 40 nước có quy mô kinh tế hàng đầu thế giới với quy mô kinh tế 435 tỷ USD. Việt Nam cũng nằm trong top 20 nước về thu hút đầu tư nước ngoài và top 20 về kim ngạch xuất nhập khẩu trên thế giới.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo năm 2024, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6%; Ngân hàng HSBC dự báo tăng 6,3%; Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam dự báo kinh tế Việt Nam vào năm 2025 sẽ có mức tăng trưởng đạt 6%, sau đó vào năm 2026 là 6,5%. Thậm chí, trong kịch bản tích cực, nếu tốc độ tăng trưởng của Mỹ và EU cao hơn dự kiến, thì khả năng tốc độ tăng trưởng ở Việt Nam cũng sẽ cao hơn nữa.

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia với tiềm năng sẵn có, Việt Nam có thể làm tốt hơn. Bởi thực tế tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam nếu so với các nước và vùng lãnh thổ khác như Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan... vẫn chưa bằng; GDP bình quân đầu người, năng suất lao động vẫn còn khiêm tốn so với một số nước trong khu vực… Vấn đề hiện nay là cần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới.

WB lưu ý, Việt Nam cần tập trung tăng trưởng năng suất. Mức năng suất lao động tuyệt đối vẫn còn thấp so với nhiều nước trong khu vực, nhất là các nước phát triển. Theo số liệu của Tổ chức Năng suất châu Á (APO), năm 2020, giá trị sản xuất mỗi giờ lao động của người Việt Nam chỉ đạt 6,4 USD, so với 14,8 USD ở Thái Lan và 68,5 USD ở Singapore. Bên cạnh đó, theo WB, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng nhanh chóng nhưng chủ yếu nhờ FDI và ít tác động lan tỏa đến các DN nội địa.

Để cải thiện, theo WB, có thể tăng năng suất lao động qua 3 kênh, trong đó, đặc biệt tập trung vào sự tham gia của các công ty khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Đại diện WB cũng băn khoăn về việc chưa có các gói hỗ trợ mới và cho rằng nên có thêm các chương trình hỗ trợ kinh tế thúc đẩy tăng trưởng như các năm gần đây.

Nhiều đánh giá cho thấy, năm 2024, dự báo tình hình DN sẽ tiếp tục gặp khó khăn khi thị trường phục hồi chậm, chưa đạt như kỳ vọng. Do đó, những giải pháp để thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh sẽ là trọng tâm để cải thiện và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông, Bộ đang tích cực lấy ý kiến của các hiệp hội, ngành hàng, cộng đồng DN để kiến nghị tới Chính phủ về các giải pháp để thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh. Bộ cũng đề xuất Chính phủ xây dựng một Nghị quyết riêng về cải thiện môi trường kinh doanh như trước đây.

Đồng thời kiến nghị việc nghiên cứu xem xét thành lập Tổ công tác thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh và có thể coi đây là một nhiệm vụ thường xuyên của các bộ, ngành, địa phương để thúc đẩy hiệu quả quá trình cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam.

 

Việt Nam cần bảo đảm nền kinh tế trở nên xanh hơn, đầu tư vào công nghệ thông tin, nền kinh tế kỹ thuật số. Cùng với đó, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thiết lập hệ thống thông tin thị trường lao động hiệu quả; tăng năng suất đối với DN vừa và nhỏ.

Chuyên gia về việc làm, Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) khu vực châu Á - Thái Bình Dương Felix Weidencaff