Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu thảo luận trong phiên họp chiều ngày 15/6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có giải trình những nội dung đại biểu quan tâm. Đặc biệt là những giải pháp trong việc phòng chống dịch bệnh Covid-19 cũng như các giải pháp duy trì, ổn định sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua dịch bệnh để góp phần phục hồi nền kinh tế; thu hút có chọn lọc nguồn đầu tư từ nước ngoài; giải ngân vốn đầu tư công; giải quyết việc làm trong tình hình mới...
6 bài học kinh nghiệm
Bộ trưởng cho biết, ngay từ khi dịch bệnh Covid-19 diễn ra, chúng ta đã có đối sách phù hợp, tập trung chỉ đạo liên tục, hành động quyết liệt, hiệu quả trong việc khống chế dịch bệnh và không để dịch lây lan rộng trong cộng đồng và góp phần duy trì ổn định chính trị-xã hội, kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, an ninh trật tự an toàn xã hội. Có thể nói, Việt Nam đã thực hiện khá thành công nhiệm vụ kép là vừa đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe của người dân, vừa duy trì được sản xuất kinh doanh, vừa đảm bảo an sinh xã hội. Qua đó, có thể đúc rút ra được 6 bài học kinh nghiệm.
Thứ nhất, đó là sự chỉ đạo, lãnh đạo đúng đắn, quyết liệt, kịp thời và chính xác của Đảng và Nhà nước cùng với sự quyết tâm cao, hành động mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị; sự phối hợp chặt chẽ của tất cả các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng trong triển khai thực hiện phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Thứ hai là đã tạo được sự đồng thuận, to lớn trong nhân dân; tạo được niềm tin mạnh mẽ vào Đảng và Nhà nước; khởi dậy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, nhân ái của nhân dân góp phần xây dựng các giá trị cốt lõi của dân tộc Việt Nam.
Thứ ba là nhanh chóng kiểm soát những thiệt hại do đại dịch Covid-19 gây ra. Đây cũng là biện pháp để hỗ trợ cho tăng trưởng, góp phần ổn định kinh tế-xã hội và nhanh chóng chuyển sang giai đoạn phục hồi nền kinh tế. Các doanh nghiệp dùy trì hoạt động ở mức cầm cự thì nay đang chuyển sang mức phục hồi và phát triển.
Thứ tư, những tác động của dịch bệnh Covid-19 cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế nước ta và đó cũng là cơ hội để chúng ta thúc đẩy cải cách mạnh mẽ tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng phù hợp với tình hình mới.
Thứ năm, chúng ta đã đánh giá đúng, chính xác thực lực các doanh nghiệp trong nước để từ đó đưa ra những chính sách, giải pháp phù hợp, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước; cơ cấu lại, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh và quản trị để đủ sức cạnh tranh, đáp ứng được các tiêu chuẩn cũng như tham gia vào các chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất toàn cầu mới.
Thứ sáu là với nhận thức mới, xu hướng mới về đầu tư gắn với cả mục tiêu phân tán rủi ro, lựa chọn địa điểm đầu tư mới, thỏa mãn các điều kiện về môi trường chính sách, ổn định về khoa học công nghệ và môi trường sinh thái và các dịch vụ y tế an toàn thì đây là cơ hội vàng để Việt Nam thu hút hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc theo đúng định hướng của chúng ta, góp phần hỗ trợ cho quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, tạo ra các động lực tăng trưởng mới của đất nước. Điều này cũng phù hợp với sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước và tham gia các chuỗi giá trị mới, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế đất nước.
Việt Nam đang trở thành một điểm đến an toàn cho đầu tư, thương mại và du lịch
Hiện tại quốc tế đã đưa ra các dự báo khác nhau về tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Việt Nam và thế giới. Mức độ chính xác và tính khả thi của mỗi dự báo phụ thuộc vào các biến số kinh tế xã hội, thời điểm kết thúc đại dịch Covid-19 và khả năng sản xuất được vaccine và thuốc điều trị đặc trưng.
Theo dự báo chung, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tăng trưởng dương, đây là một dự báo tích cực đối với nền kinh tế nước ta, phản ánh hiệu quả các chính sách của ta trong thời gian qua là nhanh chóng kiểm soát, hạn chế tối đa được các thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra, cũng là để hỗ trợ cho tăng trưởng góp phần nhanh chóng chuyển từ trạng thái cầm cự sang phục hồi và phát triển.
Mặc dù nền kinh tế nước ta đang dần trở lại hoạt động bình thường nhưng vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các lĩnh vực sản xuất phục vụ xuất khẩu, du lịch, vận tải hàng không…Qua kết quả thực hiện 5 tháng đầu năm và dự báo tăng trưởng quý 2 thì chưa thể tăng trưởng cao trở lại. Các chỉ số về sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, sức mua ở trong nước vẫn đang còn ở mức thấp, đặc biệt là những khó khăn của doanh nghiệp hiện nay.
Về hỗ trợ các doanh nghiệp, Bộ trưởng cho hay, theo số liệu điều tra cho thấy, các doanh nghiệp bao gồm cả các doanh nghiệp lớn và các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là về dòng tiền của các doanh nghiệp. Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành đã ban hành và triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nhưng mức độ tiếp cận các giải pháp hỗ trợ của các doanh nghiệp còn rất khác nhau. Một số chính sách chưa đi vào cuộc sống còn khó tiếp cận.
Tại kỳ họp thứ 9 này, Chính phủ tiếp tục trình Quốc hội xem xét thông qua các giải pháp thuộc thẩm quyền của Quốc hội, theo đó sẽ có nhiều giải pháp mạnh hơn hướng tới hỗ trợ cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, việc cần làm hiện nay của các cấp, các ngành là cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn các giải pháp đã đề ra, đồng thời tổ chức theo dõi, đánh giá hiệu quả từng giải pháp để từ đó đề xuất điều chỉnh, cần thiết cải cách hành chính mạnh mẽ, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay trong hoạt động của các doanh nghiệp.
Về tận dụng cơ hội, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt để đón làn sóng hợp tác đầu tư nước ngoài mới trên tinh thần quán triệt chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 50.
Tận dụng cơ hội về vị thế, uy tín và hình ảnh đất nước Việt Nam đã được cải thiện mạnh mẽ trong thời gian vừa qua, được quốc tế quan tâm nhưng vẫn duy trì được các kết quả tích cực trong tăng trưởng kinh tế. Hiện nay, Việt Nam đang trở thành một điểm đến an toàn cho đầu tư, thương mại và du lịch.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đúng như một số các đại biểu đã đề cập, để đón nhận được làn sóng đầu tư mới nhất là thu hút được các tập đoàn lớn, các nhà đầu tư lớn có rất nhiều việc cần phải làm, nhất là việc cải cách mạnh mẽ thực chất hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt là đơn giản hóa thủ tục hành chính, chuẩn bị tốt các điều kiện như về hạ tầng, về đất đai, về lao động, về năng lượng, về quy hoạch. Chính sách phải ổn định nhất quán, các quyết định phải nhanh chóng, kịp thời.
Bên cạnh đó, cũng cần lựa chọn những dự án phù hợp với định hướng chỉ đạo của Bộ Chính trị và theo đó thì những dự án phải có sức lan tỏa, gắn kết và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là những doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ và được tham gia vào các chuỗi giá trị của các doanh nghiệp mới.
Các Bộ, ngành, địa phương cần có hành động cụ thể với tinh thần chủ động hơn để tranh thủ sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư. Trọng tâm là các tập đoàn đa quốc gia lớn, có công nghệ cao và đứng đầu các chuỗi cung ứng chuỗi giá trị.
Đồng thời cũng cần phải xem các nhà đầu tư cần gì để trao đổi, hợp tác, đáp ứng được các điều kiện mà họ mong muốn, mang lại những lợi ích cho cả 2 phía trong bối cảnh các nước khác cũng đang cạnh tranh gay gắt, quyết liệt để thu hút dòng đầu tư này thì Việt Nam cần phải có các chính sách ưu đãi kịp thời, mang tính cạnh tranh hơn để đảm bảo thu hút được đầu tư có chọn lọc như chúng ta mong muốn.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần phải xây dựng một bộ tiêu chí để thu hút được các doanh nghiệp FDI bằng mọi giá, nhất là những dự án ít ảnh hưởng đến môi trường, sử dụng nhiều lao động, nhiều tài nguyên, nhiều năng lượng...