Bắt tay đón đoàn MICE lớn
Ngày 27/8, Hà Nội chào đón những vị khách Ấn Độ đầu tiên trong đoàn khách du lịch 5.500 người đến thăm Việt Nam và tổ chức hội nghị. Đây là đoàn khách MICE của Ấn Độ lớn nhất từ trước đến nay đến Việt Nam.
Thông tin từ Công ty Du lịch Vietravel cho thấy, đoàn khách Ấn Độ đều là nhân viên của Tập đoàn Sun Pharmaceutical Industries Limited đến từ nhiều quốc gia khác nhau nhưng chủ yếu là người Ấn Độ nên được xếp ở nhóm khách có mức chi tiêu cao.
Đoàn 5.500 khách Ấn Độ sẽ được chia thành các đoàn nhỏ và đến Việt Nam trong khoảng thời gian từ ngày 27/8 đến hết 7/9 khám phá các điểm đến nổi tiếng của Hà Nội là Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Văn Miếu - Quốc Tử Giám; Nhà tù Hỏa Lò... tham quan cảnh đẹp Ninh Bình, Hạ Long.
Để đáp ứng nhu cầu của đoàn khách, các khách sạn tại Hà Nội cũng đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng.
Đại diện khách sạn InterContinental Hanoi Landmark72 thông tin, khách sạn đã chuẩn bị đầy đủ dịch vụ tốt nhất đảm bảo sự thoải mái cho đoàn khách quốc tế. Mọi chi tiết, từ phòng nghỉ đến các dịch vụ kèm theo, đều được chú trọng để mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.
Không chỉ tập trung vào lưu trú, việc đảm bảo các yêu cầu về ăn uống, đặc biệt là ăn uống theo tín ngưỡng tôn giáo, cũng được chú trọng. Các khách sạn và nhà hàng đã chuẩn bị thực đơn với các món ăn Ấn Độ truyền thống và thuần chay được nấu bằng nguyên liệu nhập khẩu từ Ấn Độ.
Bếp trưởng khách sạn Grand Mercure Hanoi Nguyễn Minh Nguyện chia sẻ, để giới thiệu du khách Ấn Độ ẩm thực Việt Nam, bên cạnh việc đảm bảo phục vụ các món ăn Ấn Độ, khách sạn cũng cũng chuẩn bị thêm một số món ăn đặc trưng của Việt Nam như phở bò, gà, bánh cuốn, xôi, hoa quả nhiệt đới...
Chia sẻ về cảm xúc khi đặt chân đến Hà Nội du lịch, du khách Sahil Sood (Ấn Độ) cho biết, với người Ấn Độ hiện nay, Việt Nam là điểm du lịch nổi tiếng mà ai cũng muốn đến. Tại Hà Nội tôi sẽ đi khám phá các khu chợ, dành thời gian vui chơi, giải trí buổi tối. Đặc biệt tôi phải thử cà phê Hà Nội, vì khi ở Ấn Độ tôi đã rất thích cà phê Việt Nam. Tương tự anh Raja Dasm cho biết: "đây là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam, qua tham quan Hà Nội tôi thấy phong cảnh đẹp, con người thân thiện. Vì vậy tôi dự định sẽ quay trở lại, đưa vợ và con trai đi du lịch Việt Nam".
Khẳng định tiềm năng du lịch MICE Việt Nam
Số liệu từ Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, năm 2023, Việt Nam đón hơn 392.000 lượt khách Ấn Độ, tăng 231% so với năm 2019. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, du lịch Việt Nam đã đón 231.000 lượt khách Ấn Độ, tăng đến 164% so với cùng kỳ năm 2023. Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu nhận định, thị trường du lịch Ấn Độ tăng trưởng rất mạnh, là tiềm năng lớn cho du lịch Việt Nam. Đoàn 5.500 khách lần này là một điểm sáng với du lịch Việt Nam.
Theo các chuyên gia du lịch, Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế tự nhiên, địa lý để thu hút mạnh mẽ dòng khách du lịch từ Ấn Độ. Với vị trí địa lý thuận lợi, các tuyến đường bay trực tiếp, cùng nền văn hóa đa dạng, ẩm thực phong phú và tài nguyên thiên nhiên dồi dào, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch Ấn Độ, đặc biệt là nhóm du lịch MICE cao cấp, vốn rất phổ biến trong giới siêu giàu Ấn Độ.
Tuy nhiên, việc khai thác thị trường Ấn Độ không hề đơn giản do sự khác biệt về văn hóa, tôn giáo và phong cách trải nghiệm. Phó Chủ tịch CLB Lữ hành Unesco Hà Nội Phạm Tiến Dũng chia sẻ, khách du lịch Ấn Độ thường có yêu cầu cao đối với dịch vụ ăn uống, lưu trú. Để phục vụ hiệu quả nhóm khách này, đặc biệt là các đoàn MICE lớn, ngành du lịch cần cải thiện và hoàn thiện hệ sinh thái nhà hàng và cơ sở lưu trú và các dịch vụ đặc thù như điểm cầu nguyện để mang lại sự hài lòng tối đa cho du khách.
Trong khi đó, dưới góc độ là đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức các chương trình gala cho đoàn du khách Ấn Độ, Giám đốc Công ty VietnamEvents Jackie Hân nêu rõ, sự kiện đón đoàn khách 5.500 người từ Ấn Độ không chỉ là cơ hội lớn mà còn là thách thức để du lịch Việt Nam nâng cao chất lượng dịch vụ, khẳng định khả năng tổ chức các sự kiện MICE tầm cỡ quốc tế.
Hiến kế để Việt Nam trở thành điểm du lịch MICE tầm cơ quốc tế, Trưởng khoa Du lịch học, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Long đề xuất, các đơn vị lữ hành cần phối hợp chặt chẽ với các đối tác Ấn Độ để làm rõ các yêu cầu của khách về vấn đề ăn uống. Thông báo chi tiết tới đối tác các dịch vụ trong chương trình, dịch vụ nào bổ sung với chi phí cụ thể để sẵn sàng phục vụ nếu khách có nhu cầu.
Về phía cơ quan Nhà nước, ông Long cho rằng cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tổ chức đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên, nhân viên nhà hàng, khách sạn cũng như những cơ sở cung cấp dịch vụ khác cho đối tượng khách Ấn Độ. Đồng thời phối hợp với Ấn Độ trong việc hợp tác, chuyển giao công nghệ chế biến thực phẩm, đồ gia vị và các nguyên phụ liệu phục vụ nhu cầu ăn uống của người theo đạo Hindu, Hồi giáo tại các nhà hàng, khách sạn ở Việt Nam. Bên cạnh đó tăng cường hợp tác song phương trong các lĩnh vực thương mại, ngoại giao, hàng không…, tạo cơ sở thu hút mạnh mẽ du khách Ấn Độ chọn Việt Nam làm điểm đến du lịch MICE.
Việc đón thành công đoàn khách Ấn Độ quy mô lớn lần này là một bước tiến mở ra nhiều cơ hội để các địa phương, nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng nguồn thu từ dòng khách MICE, đồng thời khẳng định vị thế của Việt Nam trong ngành du lịch quốc tế.