Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt Nam đứng thứ 3 châu Á về sự lạc quan kinh tế

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Niềm tin người tiêu dùng tại 9 trong số 14 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương cải thiện đáng kể: tăng từ 52,1 điểm trong nửa cuối năm 2011 lên 57,2 điểm nửa đầu năm 2012.

Theo chỉ số Niềm tin người tiêu dùng mới nhất của MasterCard Worldwide vừa công bố ngày 20/8, niềm tin người tiêu dùng tại các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương đã gia tăng trở lại khi những lo ngại về sự chậm tăng trưởng trong khu vực đã giảm dần.

 

Theo Chỉ số Niềm tin người tiêu dùng nửa đầu năm 2012 của MasterCard Worldwide, người tiêu dùng tại các quốc gia sau ở châu Á-Thái Bình Dương có niềm tin lạc quan nhất: Ấn Độ (82,1 điểm), Trung Quốc (77,4 điểm), Việt Nam (77,2 điểm) và Thái Lan (75,8 điểm).

 

Trong khi các quốc gia, vùng lãnh thổ có niềm tin kém lạc quan nhất là Nhật Bản (23,6 điểm), Đài Loan (Trung Quốc - 25,7 điểm) và Australia (39,2 điểm).
 
Việt Nam đứng thứ 3 châu Á về sự lạc quan kinh tế - Ảnh 1
 
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Cũng theo chỉ số này, 9 trong số 14 quốc gia trong khu vực có chỉ số niềm tin người tiêu dùng cải thiện đáng kể trên 5 chỉ số kinh tế chính, dẫn đầu là Hong Kong, Hàn Quốc và Malaysia.

 

Nhìn chung, niềm tin người tiêu dùng tại 9 trong số 14 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương cải thiện đáng kể: tăng từ 52,1 điểm trong nửa cuối năm 2011 lên 57,2 điểm nửa đầu năm 2012. Trong toàn khu vực, sự gia tăng thể hiện trên tất cả các chỉ số chính như thu nhập biên chế (tăng từ 64,5 lên 71,9 điểm), việc làm (tăng từ 49,3 lên 54,0 điểm), nền kinh tế (tăng từ 49,3 lên 51,8 điểm), chất lượng cuộc sống (tăng từ 49,6 lên 51,7 điểm) và thị trường chứng khoán (tăng từ 47,9 lên 56,5 điểm).

 

Niềm tin người tiêu dùng tại Indonesia giảm nhiều nhất (18,7 điểm), tiếp đó là Philippines (11,8 điểm). Chỉ số niềm tin vào nền kinh tế tại Indonesia giảm từ 74,9 điểm xuống còn 33,3 điểm, chỉ số việc làm cũng giảm từ 70,6 điểm xuống 40,8 điểm.

 

Chỉ số trên dựa vào một khảo sát được thực hiện từ hơn 11.376 người trong độ tuổi từ 18 đến 64 tại 25 quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Trung Đông và châu Phi, tính theo thang điểm với 0 là bi quan nhất, 100 là lạc quan nhất và 50 thể hiện sự trung lập./.