KTĐT - Ông Yern Katerere đánh giá cao sự hợp tác và tham gia tích cực của Việt Nam trong các chương trình của UN-REDD. Theo ông, tiến trình thực hiện ở Việt Nam đạt được rất nhiều tiến bộ và đưa ra được những bài học bổ ích cho các nước khác tham khảo.
Chiều 12/12, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên đã có cuộc gặp với Giám đốc Chương trình Liên hợp quốc về Giảm phát thải do phá rừng và suy thoái rừng (UN-REDD), ông Yern Katerere, để thảo luận việc thực hiện chương trình REDD của Liên hợp quốc tại Việt Nam.
Ông Yern Katerere đánh giá cao sự hợp tác và tham gia tích cực của Việt Nam trong các chương trình của UN-REDD. Theo ông, tiến trình thực hiện ở Việt Nam đạt được rất nhiều tiến bộ và đưa ra được những bài học bổ ích cho các nước khác tham khảo.
Ông mong muốn UN-REDD sẽ tiếp tục nhận được sự hợp tác của Chính phủ Việt Nam và cam kết giúp Việt Nam tìm kiếm thêm các khoản tài trợ trong thời gian tới.
Việt Nam là một trong 9 nước được UN-REDD lựa chọn thực hiện dự án thí điểm và là quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa ra Chương trình UN-REDD quốc gia.
Hiện tại Việt Nam đang triển khai cơ chế thành lập mạng lưới REDD theo 3 giai đoạn, gồm nâng cao năng lực, triển khai thí điểm tại tỉnh Lâm Đồng và triển khai trên diện rộng. Dự kiến, Việt Nam cần tới 12 triệu USD để thực hiện chương trình này, nhưng hiện mới nhận được 4,5 triệu USD tiền hỗ trợ của UN-REDD.
Tại cuộc gặp, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cảm ơn UN-REDD hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực nhận thức cho các cấp quản lý từ trung ương tới địa phương, nâng cao năng lực kỹ thuật trong lập kế hoạch, thống kê tài nguyên rừng và năng lực thể chế trong việc phân phối nguồn quỹ thực hiện REDD.
Bộ trưởng đánh giá cao UN-REDD đã hỗ trợ Việt Nam 4,5 triệu USD thực hiện các hoạt động nói trên và triển khai dự án trồng 5 triệu ha rừng.
Bộ trưởng nhấn mạnh các chính sách hiện nay của Việt Nam thể hiện nỗ lực chung của chính phủ trong việc tham gia các chương trình chung của UN-REDD như quản lý và trồng rừng.
Việt Nam coi các hoạt động này là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, do còn gặp nhiều khó khăn nên Việt Nam rất cần sự giúp đỡ của UN-REDD và các tổ chức quốc tế khác.
Cũng trong khuôn khổ hoạt động của đoàn chuyên viên Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 15 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP15), chiều 11/12, ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu đã có cuộc tiếp xúc với các nhà báo Thụy Điển trả lời về quan điểm của Việt Nam tại hội nghị, cũng như đánh giá về khả năng tiếp cận Chương trình hỗ trợ đặc biệt của Liên minh châu Âu (EU) dành cho các nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu.
Theo ông Nguyễn Khắc Hiếu, trong Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu được Thủ tướng thông qua tháng 12/2008, Việt Nam xác định rõ cần phải có 1.950 tỷ đồng cho công tác thích ứng với biến đổi khí hậu; trong đó 45% được trích từ ngân sách, số còn lại là tiền tài trợ của cộng đồng quốc tế.
Vì vậy, Việt Nam hy vọng sẽ sớm được tiếp cận với chương trình hỗ trợ đặc biệt của EU nói riêng và những nguồn hỗ trợ từ các nước, tổ chức quốc tế nói chung./.