Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt Nam: Giọt nước mắt của Tổng Bí thư và cuộc gặp của niềm tin

Theo Sputnik/VOV.vn
Chia sẻ Zalo

Tinh thần kiên quyết đấu tranh với các sai phạm thuộc thẩm quyền của các cán bộ, lãnh đạo trước Đảng và Nhà nước là rất nghiêm minh, đồng thời cũng hết sức thận trọng.

Tại cuộc tiếp xúc cử tri của hai quận Ba Đình, Tây Hồ (Hà Nội) trước kỳ họp thứ 3 (Quốc hội khóa 14) sáng 13/5, sau khi nghe nhiều ý kiến góp ý, Tổng bí thư (TBT) Nguyễn Phú Trọng đã trả lời các câu hỏi theo các nhóm vấn đề.
Có thể nói, thái độ của cử tri, đảng viên đã phần nào thể hiện sự hoan hỷ thực sự. Họ tạm an lòng và tin tưởng hơn trước các kết quả xử lý bước đầu của Đảng đối với các quan chức vi phạm. Tôi nói chữ "tạm an lòng" là bởi không hẳn tất cả đều đã hài lòng với mức độ xử lý công bố vừa qua, mà vẫn có quan điểm đánh giá là hơi nhẹ.
Xung quanh việc xét xử các cán bộ, lãnh đạo cao cấp, TBT dẫn lại các vụ việc liên quan đến ông Đinh La Thăng, giai đoạn làm chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (2009-2011); rồi một số nguyên Ủy viên TƯ, như ông Vũ Huy Hoàng giai đoạn làm bộ trưởng Công Thương (2011-2016); hay ông Võ Kim Cự là Bí thư, Chủ tịch tỉnh khi thảm hoạ Formosa Hà Tĩnh xảy ra…
TBT Nguyễn Phú Trọng cũng giải thích rõ, đây mới là bước đầu xử lý về mặt Đảng theo thẩm quyền. Còn về hình sự thì vẫn đang làm và nếu có vi phạm thì vẫn xử tiếp. Điều này cho thấy tinh thần kiên quyết đấu tranh với các sai phạm thuộc thẩm quyền của các cán bộ, lãnh đạo trước Đảng và nhà nước là rất nghiêm minh, đồng thời cũng hết sức thận trọng.
"Chúng ta xử lý nghiêm nhưng phải đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Đồng thời luật pháp của chúng ta rất nhân văn, mở đường cho người ta tiến, đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại. Nhưng nói như vậy rồi bảo xử nhẹ đi là không được. Chúng ta xử nhẹ nhưng xử nghiêm, nhân ái, nhân văn", TBT nhấn mạnh.
"Giọt nước mắt rơi vào lịch sử"
Hẳn chúng ta chưa thể quên tại phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2015 và kế hoạch phát triển KT-XH năm 2016, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) đã gợi nhớ một sự kiện: "Nhiệm kỳ này chúng ta đã chứng kiến nước mắt của đồng chí Tổng bí thư rơi vào lịch sử".
Đó là hình ảnh Tổng bí thư nước mắt nghẹn ngào tại Hội nghị Trung ương 6 cách đây gần 5 năm (10/2012), khi đọc bài phát biểu bế mạc mà ông với tư cách người đứng đầu Đảng đã thay mặt Bộ chính trị, Ban bí thư nhận lỗi trước toàn Đảng, toàn Dân về "một số khuyết điểm lớn" cả hiện tại lẫn các nhiệm kỳ trước.
Trong bối cảnh ngày đó, chúng ta đã để xảy ra hàng loạt sai phạm tại tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Vinashin đến mức đổ bể, thất thoát ngân sách nghiêm trọng… Trách nhiệm trong vụ này có liên quan đến công việc điều hành nền kinh tế vĩ mô thuộc về ai là việc cần làm cho rõ. Nhưng điều này xem ra lại vô cùng khó khi "một bộ phận không nhỏ" trong Đảng đã "có vấn đề", tính chiến đấu của người cộng sản chân chính trước những sai trái, những cái gọi là "nhóm lợi ích" trong Đảng lại chưa cao, thậm chí bị triệt tiêu. Và rồi kết quả xử lý như mọi người đã biết, không như TBT và đồng bào cả nước mong muốn.
Từ sai lầm về chủ trương đầu tư nhưng vượt tầm kiểm soát dẫn đến sai phạm trong công tác điều hành tập đoàn, hệ luỵ từ bê bối tại Vinashin đã khiến Vinalines cũng như PVN "dính đòn" và "chết chùm" vì kinh doanh đa ngành nên rất khó gượng dậy.
Còn 6 tháng trước, khi TBT tiếp xúc cử tri, vụ Trịnh Xuân Thanh vi phạm vừa mới diễn ra và trở thành chủ đề nóng nhất. Trong khi đó, kết quả điều tra lại chưa có, nên không thiếu những hoài nghi về một kết quả khả quan khó có thể có được nếu TBT và Đảng không quyết liệt.
Quan tâm và dõi theo
Với góc nhìn của người làm báo lâu năm, tôi cảm nhận được Nghị quyết Trung ương 4 khoá 12 (30/10/2016) vừa qua là một nghị quyết rất sát với đời sống chính trị hiện nay ở nước nhà. Phải chăng những trường hợp như ông Trịnh Xuân Thanh đã "góp phần" giúp cho nội dung nghị quyết thêm sâu sắc, sát thực hơn về hiện tượng đảng viên có chức có quyền đang có những biểu hiện suy thoái, biến chất rất cần chỉnh đốn hoặc loại bỏ ngay khỏi đội ngũ Đảng?
Việc thẳng thắn chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái thuộc 3 nhóm tư tưởng — chính trị, đạo đức — lối sống, và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ cũng là minh chứng sinh động cho cách nhìn định tính hơn hẳn của NQTƯ 4.
Đại bộ phận đảng viên và quần chúng đều đang rất quan tâm và dõi theo những hành động cụ thể mà Đảng đang chỉ đạo thực hiện thành công NQTƯ 4, nhất là việc xử lý các cán bộ, lãnh đạo cao cấp có sai phạm nghiêm trọng.
Với một đảng cầm quyền, hạnh phúc lớn nhất là luôn được người dân quan tâm dõi theo từng bước đi, từng hành động. Ngược lại, nếu là sự thờ ơ, vô cảm trước thời cuộc của người dân thì sẽ là một bi kịch cho đất nước mà không ai được phép bàng quan!./.