Khảo sát này được Jetro thực hiện thông qua bảng câu hỏi về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại 20 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á, châu Đại Dương. Trong số 4.630 doanh nghiệp trả lời hợp lệ có 652 doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. Nội dung khảo sát chủ yếu về ước tính lợi nhuận kinh doanh, kế hoạch triển khai hoạt động kinh doanh trong thời gian tới, rủi ro và thuận lợi trong môi trường đầu tư, việc thu mua nguyên vật liệu, linh kiện (đối với các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế tạo), tình hình xuất nhập khẩu, tình hình áp dụng EPA/FTA, nỗ lực trong việc khai thác thị trường ở nước sở tại, chi phí nhân công. Chương trình khảo sát bắt đầu thực hiện từ năm 1987, kết quả khảo sát được công bố vào cuối tháng 12 hàng năm.
Theo Trưởng đại diện văn phòng Jetro Hà Nội Hironobu Kitagawa, lễ công bố lần này được tổ chức với nội dung tập trung vào phản ảnh xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. Việc khảo sát tập trung vào tình hình hoạt động của các doanh nghiệp Nhật Bản, cung cấp thông tin về kế hoạch sản xuất, kinh doanh, nhận định về môi trường đầu tư tại Việt Nam… Tại Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp trả lời có lãi chiếm 65,1%, tăng 2,3 điểm so với năm trước, trong khi doanh nghiệp trả lời lỗ chỉ chiếm 19,4%, giảm 5,7 điểm so với năm trước. Nếu tính theo loại hình doanh nghiệp thì trong ngành công nghiệp chế tạo, tỷ lệ doanh nghiệp gia công xuất khẩu (EPE) trả lời có lãi là 67,5%, vượt trên mức bình quân so với tổng thể.
Về dự tính tương lai, ông Hironobu Kitagawa thông tin, khoảng 70% doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh và tiếp tục coi Việt Nam là địa điểm đầu tư quan trọng. Khoảng 88% doanh nghiệp cho rằng, lý do chính để mở rộng kinh doanh là tăng doanh thu. Trong ngành công nghiệp phi chế tạo, khoảng 58% số doanh nghiệp đều khẳng định lý do chính là khả năng tăng trưởng và tiềm năng cao.
Tuy nhiên, ông Hironobu Kitagawa cũng chỉ ra, liên quan đến rủi ro trong môi trường đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, trong 5 hạng mục thì có 3 đã được cải thiện. Song, kết quả điều tra cho thấy, khoảng hơn 60% doanh nghiệp cho rằng, chi phí nhân công tăng cao, chiếm 61,6%; Khoảng 50% doanh nghiệp than hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, việc vận dụng luật pháp không rõ ràng, chiếm 46,9%; 40% doanh nghiệp cho ằng, cơ chế, thủ tục thuế phức tạp, chiếm 42%, thủ tục hành chính phức tạp, chiếm 39,5% là các rào cản đang làm khó. Ngoài ra, Việt Nam xếp thứ 4 về ngành công nghiệp phụ trợ còn non yếu, chưa phát triển với 30,7%.
“Việt Nam luôn là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Nhưng để làm tốt hơn nữa, cần sự nỗ lực của phía Việt Nam và cả doanh nghiệp Nhật Bản. Muốn vậy cần cải thiện và khắc phục những điểm hạn chế mà kết quả khảo sát các ý kiến doanh nghiệp đã phản ánh”, vị này nhấn mạnh.