Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư Mỹ thứ hai trong ASEAN

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Doanh nghiệp Mỹ vẫn đánh giá cao Việt Nam ở thị trường lao động dồi dào, chi phí thấp và môi trường vĩ mô ổn định.

Báo cáo khảo sát về tình hình hoạt động của doanh nghiệp Mỹ tại các nước thuộc ASEAN vừa được Phòng Thương mại Mỹ tại Singapore (AmCham Singapore) công bố cho thấy các nhà đầu tư vẫn lạc quan về triển vọng kinh doanh tại đây. Trong 588 lãnh đạo doanh nghiệp được mời trả lời, có đến 74% cho biết hoạt động thương mại đầu tư trong ASEAN tăng trong 2 năm qua và gần 90% kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trong 5 năm tiếp theo.

 
Tập đoàn Intel của Mỹ mới đây đã mở rộng hoạt động sản xuất tại Việt Nam.
Tập đoàn Intel của Mỹ mới đây đã mở rộng hoạt động sản xuất tại Việt Nam.
"Cuộc khảo sát này là minh chứng cho việc ASEAN là một khu vực năng động và có tiềm năng tăng trưởng lớn, với dân số trẻ và triển vọng hội nhập sâu" - Chủ tịch Amcham Singapore James Andrade cho biết.

Việt Nam được coi là điểm hấp dẫn thứ hai trong khu vực để các doanh nghiệp Mỹ mở rộng kinh doanh, sau Indonesia. Nhà đầu tư nước ngoài đánh giá Việt Nam có thế mạnh trong mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ, thị trường lao động dồi dào với chi phí thấp và môi trường vĩ mô ổn định.

66% doanh nghiệp mong chờ lợi nhuận tăng trong năm 2014 và 82% chờ đợi tiếp tục tăng trong năm 2015. Hơn một nửa những doanh nghiệp trả lời khảo sát kỳ vọng sẽ mở rộng quy mô trong năm nay, trong khi chỉ có 5% cho biết sẽ giảm.

Cùng với đó, trên 80% số doanh nghiệp Mỹ cũng cho bết họ không còn phải đối mặt với những khó khăn tài chính hay những vấn đề về chi phí đi vay. Tuy nhiên, tham nhũng vẫn là vấn đề lớn nhất khi gần 70% số lãnh đạo được hỏi không hài lòng về vấn đề này. Trong 5 năm qua, những chi phí như lao động, thuê văn phòng, nhà ở đã giảm bớt nhưng sự hiệu quả của những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vẫn chưa làm hài lòng nhiều nhà đầu tư.

Báo cáo cũng cho thấy sự tin tưởng của khu vực doanh nghiệp Mỹ vào thị trường ASEAN, đặc biệt là việc hình thành cộng đồng kinh tế chung vào năm 2015 sẽ làm tăng mối quan hệ thương mại và đầu tư với các đối tác lớn, biến khu vực trở thành điểm đến hấp dẫn, ông Tami Overby, Phó chủ tịch Amcham nhận xét. Ngoài ra, vị này cho hay các quốc gia ASEAN tham gia Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ được hưởng lợi lớn từ xu hướng hội nhập.

Song, cuộc khảo sát cũng chỉ ra mối quan tâm đáng kể làm cản trở với sự phát triển của các công ty trong khu vực. Trong năm trước, tham nhũng là một trong những vấn đề đáng lo ngại hàng đầu ở các quốc gia ASEAN, ngoại trừ Brunei và Singapore. Nhưng  nay các công ty Mỹ cũng chỉ ra thủ tục hành chính rườm rà, thiếu minh bạch, cơ sở hạ tầng kém chất lượng và những khó khăn trong thông quan hải quan cũng là yếu tố gây khó khăn.

Do đó, các nước ASEAN cần duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh để hấp dẫn đầu tư nước ngoài, ông Overby khuyến nghị.

Trong số 588 lãnh đạo công ty tham gia khảo sát, 55% hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp dịch vụ, 31% là sản xuất và phần còn lại trong lĩnh vực khai khoáng và công nghiệp khác. Các công ty này có doanh thu mỗi năm dao động từ 50 triệu đến một tỷ USD.