Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt Nam - Mỹ mở rộng hợp tác thương mại - đầu tư

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Mỹ -Việt Nam: Kỷ niệm 25 năm Thương mại và Đầu tư diễn ra sáng 10/5, các diễn giả, DN 2 nước mong sẽ có thêm nhiều đàm phán có lợi cho hai bên.

Lạc quan triển vọng Việt Nam
25 năm kể từ khi bình thường hóa quan hệ, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ đã tăng gần 120 lần, từ mức 450 triệu USD năm 1994 lên hơn 60 tỷ USD vào năm 2018. Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 16 của Mỹ và tăng trưởng thương mại giữa hai nước hàng năm đạt khoảng 20%.
 Khu bốc xếp hàng hóa xuất khẩu tại Cảng Hải Phòng. Ảnh: Công Hùng
2 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ đạt hơn đạt 8,1 tỷ USD, tăng tới 34,4% so với cùng kỳ năm ngoái, tiếp tục giữ vững vị thế là thị trường trọng điểm của Việt Nam. Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink nhận định, quan hệ Việt Nam - Mỹ đang phát triển mạnh mẽ và tích cực kể từ khi thực hiện Hiệp định Thương mại song phương (BTA) năm 2000 đến nay. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, Việt Nam luôn coi Mỹ là đối tác quan trọng hàng đầu và sẵn sàng cùng Mỹ tiếp tục tăng cường hợp tác trên mọi lĩnh vực. “Việt Nam cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho DN nước ngoài, đặc biệt là DN Mỹ đầu tư kinh doanh vào Việt Nam, coi thành công của các bạn chính là thành công của Việt Nam”- Phó Thủ tướng chia sẻ.
Muốn tham gia nhiều hơn trong chuỗi sản xuất toàn cầu
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc bày tỏ, nhiều sản phẩm của DN Mỹ đã trở nên gần gũi với người Việt: Cocacola, Google, lên Facebook, mua sắm trên Amazon, bay Boeing, đi Grab... Ngược lại, người Mỹ cũng thích đi giày Việt Nam, thưởng thức tôm, cá ba sa, uống cà phê Việt Nam. Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI bày tỏ mong muốn, làm cách nào để các DN nhỏ, siêu nhỏ có thể tham gia gắn kết.
“Vì DN nhỏ là cái nôi đổi mới, sự gắn kết chặt chẽ nhất giữa người dân 2 nước”- ông Lộc hy vọng các tập đoàn hàng đầu của Mỹ sẽ tiên phong gắn kết DN nhỏ và vừa của hai quốc gia. “Việt Nam không chỉ mong muốn mua Boeing mà còn mong muốn tham gia vào các công đoạn sản xuất; muốn có cả thung lũng silicon ở Việt Nam, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị mà DN Hoa Kỳ đang dẫn dắt...” - ông Lộc bày tỏ
Bà Natasha Ansell - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) cho biết, “đổi mới” và “hội nhập” là từ khóa của Việt Nam đang hướng tới. Cộng đồng DN Mỹ vui mừng song hành cùng Việt Nam theo đuổi kinh tế số, các lĩnh vực thanh toán điện tử, truyền thông kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo, TP thông minh... Nhân dịp này, Amcham công bố Sách trắng chung đề xuất một khung cụ thể để tăng cường Thương mại và Đầu tư giữa Mỹ và Việt Nam, trong đó tập trung giải quyết các vấn đề thương mại kỹ thuật số, quyền sở hữu trí tuệ (IPR), hải quan và thuận lợi hóa thương mại, cơ sở hạ tầng năng lượng… Đây là các lĩnh vực phù hợp với mục tiêu dài hạn của Việt Nam.