Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Việt Nam nên thành lập cơ quan đặc biệt thúc đẩy năng suất lao động”

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tốc độ tăng lương tối thiểu tại Việt Nam cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động.

Nếu kéo dài, sẽ từ từ phá vỡ cân bằng trên nhiều khía cạnh của nền kinh tế, đặc biệt là cản trở tích lũy vốn con người, giảm động lực của nhà đầu tư, lợi nhuận của doanh nghiệp và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đưa ra tại hội thảo “Tiền lương và Năng suất Lao động ở Việt Nam”, do VEPR phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA ) tổ chức sáng 13/9.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Lương tối thiểu vượt xa tốc độ GDP
Lương tối thiểu tăng ở mức trung bình hằng năm đạt hai con số trong giai đoạn 2007-2015, vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người và chỉ số giá tiêu dùng.
Báo cáo của VEPR chỉ ra, tỷ lệ lương tối thiểu trên năng suất lao động tăng nhanh, từ 25% năm 2007 đạt mức 50% năm 2015. Xu hướng này không giống như các quốc gia khác như Trung Quốc, In-đô-nê-xi-a hay Thái Lan. Khoảng cách giữa tăng trưởng lương tối thiểu và tăng trưởng năng suất lao động ở Việt Nam đã dãn rộng nhanh hơn so với các quốc gia khác.
Từ năm 2007 đến 2015, lương trung bình tại Việt Nam tăng 1,5 lần (mức tăng là 2 lần trong giai đoạn 2004-2015). Lương trung bình tăng nhanh đến năm 2010 nhưng chậm lại đáng kể trong giai đoạn 2010-2014, phần nào phản ánh sự suy giảm tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, phần chi trả cho các khoản bảo hiểm, bao gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cũng tăng theo thời gian. Năm 2017, chi phí tối thiểu các doanh nghiệp tại Việt Nam phải gánh chịu, được tính bằng tổng lương tối thiểu và đóng góp vào các khoản bảo hiểm (bao gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp) gần chạm mức chi phí tại Thái Lan, và cao hơn mức chi phí tại In-đô-nê-xi-a. “Trong trường hợp những lợi ích từ các khoản đóng góp này không được nhìn nhận bởi người lao động, khoản đóng góp bảo hiểm khá lớn ở Việt Nam có thể tạo ra những “khoảng trống thuế” (Nêm thuế - tax wedge) giữa chi phí lao động mà doanh nghiệp phải gánh chịu với khoản thu nhập thực tế của người lao động” TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận xét.
Xem xét lại cách tính lương sang hệ thống giờ
Từ những thực tế trên Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam Fujita Yasuo cho rằng, tăng lương nhưng năng suất lao động không tăng tương ứng sẽ làm tăng chi phí của các DN, đồng thời giảm khả năng cạnh tranh cho nền kinh tế. Đại diện JICA khuyến nghị Viêt Nam cần chú ý đến cơ chế tiên lượng, điều chỉnh lương tối thiểu cho phù hợp.
Đó là điều chỉnh mức lương tối thiểu phải phù hợp với tăng trưởng năng suất lao động. Thứ hai, lương tối thiểu không phát huy vai trò hiệu quả nếu được xây dựng như một chính sách bảo trợ xã hội. Vì hệ thống lương tối thiểu hiện nay không bao gồm người lao động không có hợp đồng, cũng như không có nhiều tác dụng đối với các nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương trong xã hội, cần có các chính sách bổ trợ khác, thay vì chỉ kỳ vọng ở chính sách lương tối thiểu. Thứ ba, mức lương tối thiểu hiện đang được tính theo tháng, nên dần chuyển sang hệ thống tính theo giờ. Điều này đảm bảo rằng những người làm việc theo giờ hoặc theo ngày công có thể hưởng đầy đủ các quyền lợi của họ, đồng thời cho phép các nhà tuyển dụng linh hoạt hơn trong việc sử dụng lao động. Thứ tư, mức lương tối thiểu phải được điều chỉnh dựa trên một số nguyên tắc nhất định (rule-based), và do đó minh bạch hơn và dễ dự đoán được hơn.
Đơn cử như, cần phải xác định rõ các tiêu chí để thiết lập và điều chỉnh mức lương tối thiểu (bao gồm cả giỏ hàng hoá tính toán các nhu cầu cơ bản); và các điều chỉnh phải được lên kế hoạch phù hợp với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, lạm phát và bối cảnh kinh tế. Cách tiếp cận dựa trên các nguyên tắc rõ ràng sẽ làm tăng khả năng dự báo và minh bạch, giúp tránh điều chỉnh mức lương tối thiểu tùy ý, khiến nhà đầu tư và người sử dụng lo ngại.
Ngoài sự tham gia của ba bên trong Hội đồng tiền lương quốc gia (chính phủ, đại diện của người sử dụng lao động ở trung ương, và đại diện của người lao động ở trung ương), Hội đồng nên có thêm sự tham gia của các chuyên gia, có chuyên môn sâu về kinh tế vĩ mô và kinh tế lao động, có khả năng đánh tác động của mức lương tối thiểu đối với việc làm, thu nhập trước/sau khi điều chỉnh lương tối thiểu. Theo ông Fujita Yasuo, điều này khá phổ biến tại một số quốc gia trong khu vực, ví dụ như Nhật Bản, In-đô-nê-xi-a và Ma-lai-xi-a.
Thứ sáu, ước tính tác động của tăng lương tối thiểu cần được thực hiện thường xuyên hơn với số liệu cập nhật, Chính phủ cũng có thể phát triển thêm công cụ để giám sát hiệu quả năng suất trong các ngành và khu vực kinh tế khác nhau. “Phối hợp các khuyến nghị trên, chúng tôi cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần có một cơ quan giám sát và thúc đẩy năng suất cho toàn bộ nền kinh tế. Nếu không có sự cải thiện vững chắc của năng suất, nỗ lực tăng lương tối thiểu sẽ dần thủ tiêu sức cạnh tranh của nền kinh tế, dẫn tới thất nghiệp nhiều hơn. Vì thế, đã đến lúc Chính phủ cần lựa chọn mục tiêu thúc đẩy năng suất như một mục tiêu quan trọng hàng đầu trong kế hoạch trung và dài hạn. Có thể thành lập một cơ quan đặc biệt chuyên trách sứ mệnh này, từ thay đổi tư duy (mindset changes) tới học tập và triển khai các mô hình tăng năng suất trên thế giới như của Nhật Bản, Singapore, Israel, …”, Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam bày tỏ.