Kinhtedothi - Thông tin trên được ông Phạm Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu cho biết tại cuộc họp ngày 16/12 thông báo về kết quả Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21).
Trồng rừng phòng hộ chống biến đổi khí hậu tại Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Tuệ - Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu thông tin: Tham dự COP21 có 196 nước gia tham dự và khoảng 150 nguyên thủ quốc gia có bài phát biểu. Nội dung các phát biểu và thảo luận xoay quanh cơ chế, phương thức ứng phó với biến đổi khí hậu. Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà - Trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam tại COP21 chia sẻ: Biến đổi khí hậu đang đe dọa toàn cầu bằng những thảm họa ghê gớm. Các nước cần có những hành động chung bảo vệ Trái đất, dù là lợi ích, màu da của mỗi quốc gia tuy khác nhau nhưng cùng chung một mối lo về biến đổi khí hậu. Theo ông Hà, COP21 đã đạt được thỏa thuận quan trọng về mặt pháp luật rõ rệt và có tính thực thi cao, dựa trên những cam kết của các quốc gia. Đây là một thỏa thuận có sự tham gia của 195 nước và mang tính hành động rất rõ ràng trước những biến đổi khí hậu đang ngày càng đe dọa đến loài người trong tương lai. Thỏa thuận này dựa trên yêu cầu phát triển chung của thế giới, đảm bảo các điều kiện thực thi tài chính, các yếu tố thực thi và cơ chế đánh giá sự việc rõ ràng. Những thỏa thuận đạt được từ COP21 đã mở ra một trang mới của thế giới bằng việc thay thế năng lượng hóa thạch bằng năng lượng tái tạo, để trong tương lai, thế giới an toàn hơn, bền vững hơn. Việt Nam đã có những nỗ lực rất lớn bằng việc tham gia các cuộc đàm phán và đã góp 1 triệu USD trong chương trình chống biến đổi khí hậu toàn cầu.