Trả lời câu hỏi về nguy cơ Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng căng thẳng ở biển Đông sau phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA), ông Lê Hải Bình cho biết, Việt Nam kêu gọi các bên kiềm chế, tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), không có hành động làm phức tạp tình hình, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh ở biển Đông và trong khu vực. “Về phía Việt Nam, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn sẵn sàng mọi biện pháp để góp phần vào duy trì hòa bình, an ninh ở khu vực”, ông Lê Hải Bình khẳng định.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình. Ảnh: Phạm Hùng. |
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng cho biết, Đảng, Nhà nước và chính phủ luôn có những biện pháp hỗ trợ ngư dân bám biển và duy trì đánh bắt thường xuyên trên các ngư trường truyền thống từ bao đời nay.
Về việc Trung Quốc tiến hành thử nghiệm máy bay tại các đường băng do nước này xây dựng trái phép tại đá Vành Khăn và Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và việc nước này tuyên bố hoàn thành xây dựng 5 hải đăng trái phép ở các đá cũng thuộc quần đảo Trường Sa, ông Lê Hải Bình cho biết, những hoạt động của Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. “Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay những hành vi vi phạm chủ quyền của Việt Nam, tuân thủ luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), DOC và không làm phức tạp thêm tình hình trên Biển Đông”, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh. Trước đó, ngay sau khi Toà Trọng tài ra phán quyết, Bộ Ngoại giao đã hoan nghênh việc Tòa trọng tài đã đưa ra phán quyết cuối cùng ngày 12/7. Đồng thời khẳng định lập trường nhất quán của mình về vụ kiện. Đó là, ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Nhân dịp này, Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với UNCLOS 1982, cũng như tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan đến các cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.