Việt Nam sẵn sàng phương án thông quan hàng hóa khi Trung Quốc mở cửa

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đón đầu cơ hội khi Trung Quốc mở cửa biên giới vào ngày 8/1/2023, các địa phương, bộ, ngành đang tích cực triển khai nhiều phương án về hạ tầng, nhân lực... sẵn sàng nối lại hoạt động giao thương nhằm đẩy nhanh tiến độ thông quan hàng hóa, giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí.

Doanh nghiệp theo dõi, bám sát thị trường

Trung Quốc đang dần nới lỏng các biện pháp phòng dịch trong nước, dự kiến mở cửa biên giới từ 8/1/2023 và có thể mở hoàn toàn nền kinh tế vào quý II/2023. Điều này dự báo tác động tích cực đến các doanh nghiệp Việt có hàng hóa xuất khẩu vào Trung Quốc.

Đóng gói thanh long xuất khẩu tại một doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận. Ảnh minh họa
Đóng gói thanh long xuất khẩu tại một doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận. Ảnh minh họa

Lạc quan khi Trung Quốc mở cửa thị trường, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe cho rằng, nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc tiếp tục tăng khi việc đi lại tại nước này được nới lỏng. Dự báo, kim ngạch sẽ tăng mạnh trong năm 2023.

Do đó, VASEP đã đặt hàng một số chuyên gia vào Trung Quốc tại thời điểm đó để có đánh giá và dự báo sát thực tế cho thị trường này, từ đó có giải pháp tiếp cận các phân khúc thị trường và nhóm đối tượng khách hàng phổ biến đến doanh nghiệp.

Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu quả thanh long sang Trung Quốc, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Cao Thành Phát Nguyễn Công Kính chia sẻ, thị trường Trung Quốc đang chiếm khoảng 60 - 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của công ty.

Trong giai đoạn Trung Quốc thực hiện chính sách “Zero Covid”, hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp qua thị trường này gặp nhiều khó khăn khi không chỉ lượng hàng xuất khẩu giảm, giá giảm mà thời gian thông quan kéo dài khiến chi phí tăng lên.

Chính vì vậy, khi Trung Quốc dỡ bỏ cách ly sẽ giúp việc thông quan hàng hóa nhanh hơn, từ đó tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp. “Trung bình mỗi tháng doanh nghiệp xuất sang Trung Quốc 500 - 700 tấn thanh long. Với việc mở cửa lại biên giới, bỏ cách ly Covid-19, ước tính doanh nghiệp có thể tiết kiệm từ 200 - 300 triệu đồng chi phí” - ông Nguyễn Công Kính cho hay.

Cũng theo vị chủ doanh nghiệp này, từ tháng 1/2023 lượng hàng xuất khẩu sang thị trường này sẽ tăng 25 - 30%. Khi tình hình thị trường phục hồi, dự báo giá thanh long xuất khẩu tăng lên và dần đi vào ổn định.

Rốt ráo chuẩn bị các điều kiện giao thương thuận lợi

Thông tin về công tác chuẩn bị các điều kiện phục vụ giao thương khi Trung Quốc mở cửa lại thị trường, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Ủy ban Quốc gia y tế Trung Quốc thông báo hạ cấp quản lý Covid-19 từ nhóm A xuống nhóm B từ ngày 8/1/2023. Điều này cũng có nghĩa là các trường hợp kiểm soát dịch bệnh nhằm vào khách du lịch quốc tế và hàng hóa nhập khẩu vào Trung Quốc sẽ được dỡ bỏ.

Lực lượng chức năng tiến hành phun khử khuẩn khu vực bãi chờ xuất khẩu tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn). Ảnh minh họa (Nguồn: vov.vn).
Lực lượng chức năng tiến hành phun khử khuẩn khu vực bãi chờ xuất khẩu tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn). Ảnh minh họa (Nguồn: vov.vn).

Thời điểm này, các địa phương có cửa khẩu giao thương với Trung Quốc đã sẵn sàng đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên biên giới đất liền với Trung Quốc.

Những ngày qua, Ban Quản lý Khu kinh tế Lào Cai và các lực lượng quản lý biên giới của tỉnh đang tích cực chuẩn bị về hạ tầng giao thương, sẵn sàng nối lại hoạt động xuất nhập khẩu. Theo Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Lào Cai Vương Trinh Quốc, UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo các cấp ngành chuẩn bị tốt lực lượng, điều kiện kho bãi, đỗ xe; thực hiện hậu cần logictics để hàng hóa thông quan tại khẩu quốc tế Lào Cai thuận lợi nhanh chóng nhất.

Năm 2023, Lào Cai đặt mục tiêu giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn đạt 5 tỷ USD, tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2022. Mục tiêu này hoàn toàn khả thi trong điều kiện các hoạt động xuất nhập khẩu trở lại bình thường.

Tại tỉnh Lạng Sơn, để có được sự ổn định trong hoạt động thông quan hàng hóa như thời điểm này, UBND tỉnh đã có văn bản về việc tiếp tục tăng cường biện pháp tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn. Sở Công Thương Lạng Sơn thường xuyên cập nhật thông tin về phương thức giao nhận hàng hóa tại khu vực cửa khẩu để có biện pháp xử lý thỏa đáng những vấn đề phát sinh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thu Hà thông tin, các cửa khẩu đã đang sẵn sàng phương án, toàn bộ nhân lực, vật lực, tất cả điều kiện để có thể nâng cao năng lực thông quan trong thời gian tới khi Trung Quốc mở cửa trở lại.

Các Ban Quản lý Khu kinh tế cũng đã gửi thư sang phía Trung Quốc thông báo là hiện nay nhân lực, cơ sở hạ tầng tại tất cả cửa khẩu đều đã sẵn sàng trên cơ sở đáp ứng đầy đủ những yêu cầu phòng chống dịch và hoạt động được ngay khi nước bạn thông quan trở lại.

 

Sau thông báo chính thức, những hướng dẫn cụ thể sẽ được cơ quan chức năng cả hai nước theo dõi, cập nhật thường xuyên để đảm bảo thông thương. Trong những ngày qua, các tỉnh phía Nam cũng đã liên lạc với ngành công thương để xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Đồng thời chúng ta cũng hỗ trợ phía bạn tiêu thụ các sản phẩm sang thị trường Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải