Việt Nam chế tạo máy bay không người lái bay được 4.000km
Tuần qua, Viện Công nghệ Không gian (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) công bố đã nghiên cứu chế tạo thành công máy bay trinh sát điện tử không người lái tầm xa được tích hợp các thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học và thiết bị trinh sát điện tử phục vụ mục đích an ninh Quốc gia.
Mẫu máy bay không người lái này có sải cánh 22m, tải trọng 1.350kg, cự ly bay trên 4.000km hành trình, 35 giờ bay liên tục và sử dụng vệ tinh dẫn đường. Đây là phiên bản được phát triển dựa trên 5 mẫu máy bay không người lái tầm ngắn và tầm trung với 253 chuyến bay thành công của Viện Công nghệ Không gian thử nghiệm hồi tháng 5/2013.
PGS. TS Phạm Ngọc Lãng, Chủ nhiệm Đề tài nghiên cứu máy bay trinh sát điện tử không người lái tầm xa khẳng định, Việt Nam đã có đủ khả năng chế tạo máy bay không người lái tầm xa để phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội và góp phần bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Doanh thu ngành CNTT năm 2015 ước 42 tỷ USD
Đây là con số dự đoán được đưa ra trong Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT Việt Nam (Viet Nam ICT Index) giai đoạn 2006-2015 của Bộ TT&TT. Cùng với đó, trong hơn 10 năm qua, công tác phát triển và ứng dụng CNTT-TT tại Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận.
Chiếc máy bay này được sử dụng trong nghiên cứu khoa học và an ninh quốc gia
|
Nếu như năm 2006, chỉ có 31% máy tính của các bộ, cơ quan ngang bộ và chưa đến 20% máy tính của các tỉnh kết nối Internet thì đến nay 100% các bộ, cơ quan ngang bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ứng dụng CNTT vào công tác chỉ đạo điều hành đồng thời cung cấp dịch vụ hành chính công cho người dân và doanh nghiệp. Nhiều DN đã đi đầu trong ứng dụng CNTT phục vụ hoạt động quản lý hành chính cũng như hoạt động sản xuất - kinh doanh nhằm tăng năng suất và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Năm 2014, Liên Hiệp quốc xếp hạng Việt Nam ở vị trí 99 trên thế giới (tăng 6 bậc so với năm 2005), đứng thứ 5 trong khối ASEAN về chỉ số phát triển Chính phủ điện tử. Năm 2015, Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá Việt Nam xếp vị trí thứ 85/143 quốc gia về chỉ số sẵn sàng kết nối.
Mặc dù có những kết quả nhất định, nhưng ứng dụng CNTT chủ yếu theo chiều rộng, chưa thực sự phát huy hiệu quả và đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước. Quy mô công nghiệp CNTT do người Việt làm chủ còn nhỏ, giá trị gia tăng chưa cao, phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp có vốn FDI; khả năng làm chủ công nghệ còn hạn chế, chưa có nhiều doanh nghiệp và sản phẩm đủ sức cạnh tranh.
Online Friday 2015: Có doanh thu hơn 500 tỷ đồng
Theo thông tin từ Ban tổ chức Online Friday 2015 - Ngày mua sắm trực tuyến 2015, số lượng đơn hàng được bán ra trong ngày 4/12 vừa qua đã tăng gần gấp đôi so với OnlineFriday 2014 (160.000 đơn hàng). Thống kê sơ bộ, doanh thu từ 26 DN thương mại điện tử lớn vào khoảng 165 tỷ đồng, nếu tính đủ 2.000 tham gia thì con số này vượt mức 500 tỷ đồng.
Xét trên mọi khía cạnh, OnlineFriday 2015 đã vượt qua OnlineFriday 2014 trên mọi khía cạnh từ lượng truy cập, lượng xem sản phẩm, số đơn đặt hàng... và đặc biệt là doanh thu cao tới hơn 3 lần (Ngày mua sắm trực tuyến 2015 có doanh thu 154 tỷ đồng).
Các mặt hàng được người tiêu dùng quan tâm và đặt hàng nhiều nhất là điện máy, thiết bị số, phụ kiện công nghệ, thời trang, đồ gia dụng… Các siêu thị điện máy và nhà bán lẻ sản phẩm công nghệ như Nguyễn Kim, Điện máy Xanh, Điện máy Chợ lớn…có số lượng đặt mua TV, smartphone, máy tính bảng… tăng nhanh hàng giờ trong ngày diễn ra Online Friday 2015 vừa qua.
Từ 1/1/2016: Hà Nội dừng phát sóng 3 kênh analog VTV6, H2 và VTC9
Theo đúng kế hoạch của Đề án số hóa truyền hình Việt Nam thông qua, từ 1/1/2016 người dân Thủ đô sẽ không được theo dõi các kênh VTV6, H2 và VTC9 qua hệ thống analog. Đây là hành động nhằm thúc đẩy người dân chuyển đổi sang thu xem truyền hình số theo đúng lộ trình của Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 để được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bên cạnh đó, từ ngày 1/4/2016, Hà Nội cũng sẽ ngừng phủ sóng toàn bộ các kênh truyền hình tương tự mặt đất còn lại.
Việc số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất là lộ trình tất yếu để nâng cao chất lượng dịch vụ truyền hình, mang đến cho người xem chất lượng âm thanh, hình ảnh tốt hơn và có thể xem truyền hình trên mọi thiết bị, mọi lúc, mọi nơi. Số hóa còn giúp tiết kiệm băng tần vô tuyến điện, nguồn tài nguyên quan trọng của quốc gia. Phần băng tần dôi dư sẽ dùng để phát triển các dịch vụ viễn thông khác, trong đó có dịch vụ 4G.
Hỗ trợ người nghèo 360 tỷ đồng mua đầu thu truyền hình số
Số tiền này sẽ được Bộ TT&TT lấy từ Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích để mua 423.000 đầu thu truyền hình số DVB-T2 nhằm hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo sau khi tắt sóng truyền hình analog. Tới thời điểm 1/1/2016, 4 thành phố gồm Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng và Cần Thơ sẽ thực hiện tắt sóng truyền hình analog. Do liên quan tới phạm vi phủ sóng, sẽ có 19 tỉnh khác bị ảnh hưởng khi người dân đang xem nhiều kênh truyền hình của các thành phố này.
Cũng theo số liệu từ Bộ TT&TT, 23 tỉnh, thành phố này đang có khoảng 423.000 hộ nghèo, cận nghèo thuộc đối tượng được Nhà nước hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất sau khi thực hiện tắt sóng truyền hình analog. Chính vì vậy, dự kiến Bộ sẽ trích từ Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích nhằm mua đầu thu truyền hình số DVB-T2 cho các đối tượng trên, tổng số tiền sẽ vào khoảng 360 tỷ đồng.
Nhiều khả năng, sớm nhất là đến tháng 2/2016, việc lắp đặt đầu thu DVB-T2 cho các hộ nghèo và cận nghèo trong diện được hỗ trợ sẽ được tiến hành.