Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt Nam tiếp tục là 1 trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Trương Huyền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổ chức đánh giá tín dụng Fitch dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,7% trong năm 2018, nhờ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng, sản xuất tiếp tục khởi sắc và tiêu dùng cá nhân tăng mạnh.

  Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu mở đầu buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2018
Những kết quả nổi bật của nền kinh tế

Chiều 2/6 tại Hà Nội, mở đầu buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2018, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã thông báo về nội dung phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2018 do Thủ tướng Xuân Phúc chủ trì diễn ra cùng ngày.

Theo đó, chúng ta đã đi qua gần 1/2 chặng đường của năm 2018 và trong quý I tăng trưởng GDP đã đạt 7,38%, cao nhất trong 10 năm qua. Chính phủ đánh giá, kinh tế - xã hội nước ta tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2018 tiếp tục chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực. Đáng chú ý, nhiều địa phương đã năng nổ, chủ động tìm ra nhiều giải pháp, cách làm hay; có thể nói đã hình thành một không khí thi đua tăng trưởng, phát triển mới trên cả nước.

Hầu hết các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đều có kết quả tăng so với cùng kỳ: Sản lượng và năng suất lúa Đông xuân tăng, nhiều cây ăn quả và cây công nghiệp có sản lượng tăng khá; chăn nuôi bò, gia cầm tăng lần lượt là 3,0% và 6,9%; sản lượng thủy sản tăng 6,1%; rừng trồng được chăm sóc, được giao khoán bảo vệ và sản lượng khai thác gỗ đều tăng (tăng 2,6%, 11% và 3,2%); các xã và huyện đạt chuẩn nông thôn mới tăng nhanh (52 huyện và 3.346 xã đạt chuẩn nông thôn mới); Không có dịch bệnh trên địa bàn cả nước.

CPI bình quân năm tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm trước tăng 3,01%; chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng 9,7% (cùng kỳ tăng 6,6%). Ngành chế biến, chế tạo tiếp tục tăng trưởng cao 11,8%. Sức cầu trong nước cải thiện mạnh mẽ, tiêu dùng nội địa tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 5 tháng đầu năm 2018 tiếp tục đạt khá, tăng 10,1% so với cùng kỳ. Xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh (ước đạt 93,1 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ). Cả nước xuất siêu khoảng 3,4 tỷ USD, chiếm gần 3,6% kim ngạch xuất khẩu.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tăng khá đạt 6,75 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ. Góp vốn và mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 2,75 tỷ USD, tăng 53,5% so với cùng kỳ. Khu vực kinh tế tư nhân phát triển tích cực. 5 tháng, có gần 53.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký bổ sung khoảng 1,4 triệu tỉ đồng. Khách du lịch đạt trên 6,71 triệu lượt khách trong 5 tháng, tăng 27,6% so với cùng kỳ.

Những kết quả đạt được thể hiện nỗ lực, cố gắng lớn của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Các tổ chức quốc tế cũng đánh giá cao triển vọng của Việt Nam. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đạt 53,9 điểm, cao nhất trong khu vực ASEAN. Trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, Tổ chức đánh giá tín dụng Fitch dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,7% trong năm 2018, nhờ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng, sản xuất tiếp tục khởi sắc và tiêu dùng cá nhân tăng mạnh.
Fitch đánh giá Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trong số các nước có cùng mức xếp hạng “BB”. Fitch cải thiện xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam chủ yếu là do Chính phủ Việt Nam đã thực hiện tốt cam kết kiềm chế nợ công và cải cách doanh nghiệp nhà nước.
 Fitch đánh giá Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương
Quyết liệt vào việc, quyết tâm hành động tháo gỡ các điểm "nghẽn"

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng nhìn nhận tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn không ít hạn chế yếu kém và khó khăn thách thức, cần tập trung giải quyết; thảo luận, bàn kỹ để đưa ra biện pháp, đối sách cụ thể.

Mặc dù nền kinh tế nhìn chung có dấu hiệu khởi sắc, phục hồi nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,55% so với tháng trước, mức tăng cao nhất trong 6 năm trở lại đây (do tăng giá giao thông 1,72%, dịch vụ ăn uống 0,88%), tăng 3,86% so với cùng kỳ năm trước, tăng 1,61% so với tháng 12 năm trước.

Tình hình sản xuất nông nghiệp vẫn gặp khó khăn (tôm thẻ chân trắng giảm giá mạnh do cung vượt cầu; nhiều mặt hàng nông sản giá ở mức thấp phải giải cứu), hàng hóa chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch có rất nhiều rủi ro.

Mặc dù sản xuất ngành công nghiệp đạt mức cao, nhưng ngành chế biến, chế tạo có xu hướng tăng chậm lại (2 tháng đầu năm tăng 15,5%; 3 tháng tăng 14,1%; 4 tháng tăng 12,5%); khai khoáng giảm 2,2%.

Tình hình giải ngân vốn đầu tư công còn chậm (theo số liệu báo cáo của Bộ Tài chính, thực hiện vốn đầu tư 5 tháng mới đạt 28,7% kế hoạch). Việc thu hút đầu tư nước ngoài đang gặp khó khăn, thách thức lớn. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký và tăng thêm giảm 30,8% so với cùng kỳ.

Tình hình sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn (5 tháng có trên 5.500 doanh nghiệp giải thể, tăng 18,1% và gần 33.400 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 3,9%). Vấn đề cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm 50% thủ tục hành chính và điều kiện đầu tư kinh doanh chưa được triển khai triệt để, nhiều bộ ngành chưa quyết liệt.

Qua đó, trong thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương, các cấp, các ngành triển khai nghiêm túc các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Nghị quyết 01, 19, 35 và các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ. Tinh thần là phải quyết liệt vào việc, quyết tâm hành động, nói đi đôi với làm, tăng cường kỷ luật kỷ cương; xử lý các vấn đề đặt ra, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ trên mọi mặt.