Định lại giá trị kinh doanh
Tại diễn đàn, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ về thời cơ và thách thức của Việt Nam trong việc tiếp cận công nghiệp 4.0, tiếp cận công nghệ tiên tiến và sự tự động hóa trong chuỗi sản xuất của doanh nghiệp. Ông Ngô Văn Tuấn - Phó Trưởng ban Kinh tế T.Ư cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có tác động to lớn đến khu vực, quốc gia, doanh nghiệp với nhiều cơ hội, xen lẫn thách thức. Do đó, các quốc gia có từng đối sách khác nhau để tận dụng cơ hội. Hiện nay, trong quá trình CNH-HĐH vẫn còn nhiều bất cập khi tăng trưởng thấp, phụ thuộc nhiều vào DN đầu tư nước ngoài, tăng trưởng sản xuất công nghiệp thiếu bền vững, công nghiệp chế tạo chưa đáp ứng yêu cầu… Chính vì thế, công nghiệp 4.0 tác động đến DN, không chỉ sản phẩm mà dịch vụ, nhất là định lại giá trị trong chuỗi kinh doanh.
Trong khi đó, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT khẳng định, Việt Nam đang có lợi thế lớn, lúc này khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mới bắt đầu nhưng Chính phủ đã có sự quan tâm rất nhiều. Bên cạnh đó, từ khi ngành công nghệ thông tin đặt mục tiêu vươn ra thế giới thì tiềm lực ngành cũng vượt trội so với năng lực kinh tế Việt Nam. “Cuộc cách mạng này không phải cuộc cách mạng của các doanh nghiệp lớn, không phải của các đại gia, mà là cuộc cách mạng công nghệ của mọi người, trong đó có những nhóm doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, để thay đổi tương lai, diện mạo của các ngành kinh tế” - ông Bình nhấn mạnh.
Hà Nội có hơn 200.000 DN, qua khảo sát 2.000 hội viên thì 85% có quan tâm đến cách mạng 4.0, 55% đánh giá cuộc cách mạng 4.0 có tác động lớn, 23% cho rằng bình thường, 10% tác động, còn lại không biết. Bên cạnh đó, 79% DN cho biết chưa làm gì, 55% đang tìm hiểu nghiên cứu, 12% thực hiện triển khai, 67% DN không thấy liên quan, 56% lĩnh vực không tác động nhiều… Do đó, thể chế cho cách mạng 4.0 với DN nhỏ và vừa cần có chiến lược và tầm nhìn của lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cũng như tăng cường sự liên kết hợp tác giữa DN FDI và DN nhỏ, vừa, startup để có thể tận dụng cơ hội từ cách mạng 4.0. |
Đi trước để bắt kịp
So với các cuộc cách mạng công nghiệp trước, công nghiệp 4.0 là tốc độ phát triển phạm vi và mức độ tác động. Nếu phát triển với cấp độ số nhân, làm biến đổi hầu hết nền công nghiệp ở mọi quốc gia về cả bề rộng và chiều sâu, trong cả hệ thống sản xuất và quản trị. Sự thay đổi chóng mặt của công nghệ cũng như xu hướng của người tiêu dùng đang là một trong những thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp đang gặp phải, dù họ hoạt động trong ngành nào. Điều này đặc biệt đúng với những công ty đã thành lập lâu năm, vì họ phải kết hợp các nội dung sáng tạo đổi mới với các nền tảng đang tồn tại để tạo ra lợi nhuận.
Theo nhiều chuyên gia tại diễn đàn, Việt Nam có cơ hội lớn, nhưng cách tiếp cận, nhìn nhận công nghiệp 4.0 như thế nào. Việt Nam hoàn toàn có thể đi trước trong việc sáng tạo và bắt kịp được công nghệ tiên tiến trên thế giới. Tuy nhiên, hy vọng Chính phủ sẽ có hành động cụ thể, có chính sách thúc đẩy, hỗ trợ để doanh nghiệp nhận thức tốt hơn về công nghiệp 4.0 và tạo ra nhiều doanh nghiệp sáng tạo mạnh hơn. Doanh nghiệp nào nhận thức được sự sáng tạo, chuyển mình về công nghệ trong sản xuất thì sẽ có lợi thế phát triển hơn. Sự sáng tạo, thay đổi không chỉ nằm trong việc tự động sản xuất, mà đến từ nhận thức nhỏ nhất, từ nhân lực, chữ ký số...
Trong khuôn khổ Chương trình, ngày 8/4, Ban tổ chức sẽ tôn vinh những Doanh nghiệp Rồng Vàng & Thương hiệu Mạnh Việt Nam năm 2016, những doanh nghiệp đã đạt được những thành tích xuất sắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nỗ lực vì sự phát triển cộng đồng và đặc biệt tiên phong tiếp cận với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0... |