Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt Nam và Anh chia sẻ quan điểm về giải quyết vấn đề Biển Đông

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đánh giá cao chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao Vương quốc Anh Philip Hammond, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tin tưởng, chuyến thăm sẽ góp phần củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước.

Ngày 12/4, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Vương quốc Anh Philip Hammond đã họp báo về những kết quả đạt được tại hội đàm song phương diễn ra vào sáng 12/4. 

Đánh giá cao chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao Vương quốc Anh Philip Hammond, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tin tưởng, chuyến thăm sẽ góp phần củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước. 

“Việt Nam luôn coi Anh là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại của mình. Việt Nam đánh giá cao vai trò, tầm ảnh hưởng của Anh đối với các vấn đề hòa bình, an ninh quốc tế và các vấn đề mang tính toàn cầu,” Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh. 
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Anh Philip Hammond gặp gỡ báo chí sau hội đàm. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Anh Philip Hammond gặp gỡ báo chí sau hội đàm. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)
 
 
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, tại hội đàm, hai bên đã trao đổi và thống nhất các biện pháp tăng cường và thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Việt-Anh trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, ngoại giao, an ninh-quốc phòng, kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, khoa học công nghệ và chống biến đổi khí hậu. 

Hai bên cũng trao đổi những vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông. 

“Chúng tôi cho rằng, mọi tranh chấp cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và phấn đấu sớm có Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC),” Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh. 

Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Việt Nam và Vương quốc Anh cùng xác định, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư sẽ là trụ cột ưu tiên trong quan hệ hai nước thời gian tới. Việt Nam đề nghị Vương quốc Anh xem xét, thúc đẩy xây dựng và triển khai các dự án cụ thể sử dụng Quỹ Thịnh vượng mới của nước này để khắc phục các hệ quả của biến đổi khí hậu, hạn hán và xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long”. 

Tại buổi gặp gỡ báo chí, Ngoại trưởng Philip Hammond nhấn mạnh, Vương quốc Anh đánh giá cao tầm quan trọng của việc phát triển quan hệ với Việt Nam, nhất là trong giai đoạn Vương quốc Anh đang phát triển các mối quan hệ đối tác chiến lược tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong thế kỷ 21. Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam đã tạo ra những cơ hội to lớn cho mối quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước Anh và Việt Nam. 

Ngoại trưởng Philip Hammond cho biết, một trong những ưu tiên của Chính phủ Anh trong quan hệ với Việt Nam là tăng cường hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, thúc đẩy thành lập Viện Nghiên cứu Việt-Anh tại Đà Nẵng... Bên cạnh đó, Vương quốc Anh sẽ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong các lĩnh vực chống biến đổi khí hậu, phòng chống buôn bán trái phép động vật hoang dã; hoan nghênh Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế về phòng chống buôn bán trái phép động vật hoang dã. 

Về vấn đề Biển Đông, Ngoại trưởng Philip Hammond cho biết: “Vương quốc Anh có lợi ích quốc gia to lớn trong việc duy trì, đảm bảo ổn định và an ninh trong khu vực. Lập trường vững vàng của Anh là các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông cần phải được giải quyết phù hợp với các nguyên tắc và luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Các bên có liên quan không nên đe dọa hay sử dụng vũ lực và có các hành động đơn phương như triển khai lực lượng quân sự, vũ khí quân sự tại những vùng biển đang tranh chấp”.