Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt Nam và Liên minh châu Âu ký Hiệp định tự do thương mại: Chậm thay đổi sẽ mất cơ hội

Ánh Ngọc (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiệp định tự do thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) vừa ký kết sẽ tạo cơ hội tiếp cận sâu giữa Việt Nam với thị trường 28 nước thành viên của EU.

 TS. Nguyễn Trí Hiếu
Để nắm bắt, tận dụng được cơ hội, Việt Nam cần khẩn trương thay đổi từ thể chế của Chính phủ đến khả năng cạnh tranh của các DN trong nước. Đó là chia sẻ của chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu với báo Kinh tế & Đô thị về những tác động của EVFTA tới nền kinh tế Việt Nam.
Tuân thủ quy định, bài trừ tham nhũng
EVFTA là hiệp định quy định các quy tắc đầu tư, kinh doanh hiện đại và đòi hỏi cao về sự minh bạch. Đây được coi là sức ép lớn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam khi gia nhập “sân chơi” mới này. Vậy, Việt Nam cần làm gì để vượt qua sức ép, thưa ông?
- EVFTA tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài từ phía EU đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam phải thay đổi rất nhiều để có thể đáp ứng những điều kiện đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ nhất là, những điều kiện kinh doanh của Việt Nam phải được thay đổi nhanh chóng hơn nữa để đáp ứng môi trường kinh doanh trên thế giới. Bên cạnh đó là các bộ luật như Luật Đầu tư, Luật Thương mại… cũng cần sớm được thay đổi để khớp với luật lệ của các nước khối EU. Thứ hai, vấn nạn tham nhũng, hối lộ tồn tại tại Việt Nam, đó là điều mà tất cả các nước thành viên EU đều biết.
Do đó, không chỉ tuân thủ những quy định trong hiệp định mà Việt Nam phải có sự biến chuyển mạnh mẽ trong việc bài trừ tham nhũng. Tôi xin nhấn mạnh, tham nhũng có thể xảy ra ở mọi nơi, mọi lúc, mọi giai đoạn khi nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nên muốn tạo sự tin tưởng cũng như thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư nước ngoài một cách bền vững, Việt Nam nhất thiết phải bài trừ tham nhũng.
 Sơ chế thủy sản xuất khẩu tại Công ty Cafatex (Hậu Giang). Ảnh: Huy Hùng
Để khớp với luật lệ của các nước khối EU và phù hợp với EVFTA, một số bộ luật của Việt Nam cần sớm được thay đổi. Nhiều ý kiến cho rằng câu chuyện xây, sửa, ban hành luật của Việt Nam mất rất nhiều thời gian, như vậy liệu có làm mất đi cơ hội?
- Cơ hội rất có thể bị đánh mất nếu chúng ta chậm trễ thay đổi thể chế hiện tại. Đây là thời điểm chúng ta đồng thời thực thi hai hiệp định CPTPP và EVFTA cũng là thời điểm Việt Nam phải thay đổi mạnh mẽ về vấn đề thể chế, luật lệ, quan hệ lao động… Tất cả những tuân thủ của Việt Nam phải đáp ứng điều kiện đó, như vậy mới có thể nhanh chóng nắm bắt được cơ hội.
Sở dĩ tôi nhắc lại điều này vì những đối tác thương mại EU, sau một thời gian thấy Việt Nam không thể đáp ứng các điều kiện thì chính các nhà đầu tư EU sẽ nhụt chí. Vì vậy, Chính phủ cần có sự quyết tâm từ các tuyên bố đến kế hoạch hành động. Kế hoạch hành động phải thực hiện theo một định hướng chung ở tất cả các thành phần của nền kinh tế, trong đó từng thành phần phải hiểu rõ cơ hội, thách thức của EVFTA. Việt Nam muốn chạy nhanh nhưng vướng nhiều rào cản, do đó, phải quyết tâm cao, nỗ lực hành động để vượt qua, nếu chậm sẽ đánh mất cơ hội.
Liệu việc xây dựng, bổ sung các bộ luật có “đẻ” thêm quy định, giấy phép… gây khó khăn cho DN?
- Đây là lo ngại dễ hiểu và chính đáng. Tuy nhiên, DN cần phải hiểu họ cần phải đạt chuẩn mực cao hơn nhiều so với hiện tại. Đó là các chuẩn mực về pháp lý, các tiêu chí, yêu cầu của thị trường EVFTA, bắt buộc DN phải đáp ứng được thì mới có cơ hội phát triển và hội nhập.
Việc tuân thủ luật lệ tạo ra nhiều chi phí cho các DN, song, có lẽ DN phải chấp nhận những chi phí như vậy để có thể vươn cao hơn nữa. Những trở ngại, thách thức, chi phí mà DN phải chịu là cái giá mà DN phải đánh đổi để xâm nhập vào thị trường mới, thị trường lớn, thị trường khó tính như EU.
Dự báo, trong khoảng 3 năm tới, những chi phí này sẽ diễn ra trong tiến trình dài, đòi hỏi DN phải thay đổi tư duy hội nhập và chuyển mình mạnh mẽ. Khi mà DN đã đáp ứng được các tiêu chí, yêu cầu của thị trường, bộ máy hoạt động trơn tru, nhuần nhuyễn thì chắc chắn DN sẽ phát triển và gặt hái được thành quả xứng đáng.
Vượt rào cản để xâm nhập thị trường
Theo nhận định của ông thì rào cản không chỉ nằm ở chính quy định, yêu cầu của hiệp định EVFTA mà còn nằm trong chính nội tại của nền kinh tế Việt Nam. Vậy, ông có khuyến nghị nào dành cho cộng đồng DN Việt khi bước vào cánh cửa hội nhập?
- Cộng đồng DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ cần nhận thức được trong những hiệp định thương mại lớn như này thì cơ hội của họ nằm ở đâu? Cá nhân tôi thấy, các DNVVN họ không quan tâm nhiều vì họ cho rằng, đầu tư, thương mại là những vấn đề của Chính phủ, Chính phủ phải chủ động thực hiện đối với hiệp định này và có những chương trình hướng dẫn cho DN.
Mặt khác, do năng lực yếu, chưa biết bán sản phẩm gì cho EU nên phần lớn DNVVN chưa có sự quan tâm đúng mức. Để từng bước giải quyết vấn đề này, các hiệp hội DN, hiệp hội chuyên ngành nên tìm hiểu EVFTA một cách kỹ càng hơn. Các bộ, ngành nên tiếp xúc nhiều với các hiệp hội để cho họ biết rằng đây là lĩnh vực các DN cần quan tâm. Thực tế cho thấy, các DN không chịu khó tìm hiểu hiệp định nên chính các bộ, ngành phải dẫn đường cho các hiệp hội, từ các hiệp hội truyền tải đi những thông điệp đó đến các DN thành viên.
“Sân chơi” khó đối với doanh nghiệp Việt
Việt Nam là môi trường đầu tư tiềm năng, song, các điều kiện về hạ tầng cơ sở của nước ta rất hạn chế. Phải chăng hạn chế của Việt Nam lại là cơ hội của các nhà đầu tư nước ngoài, thưa ông?
- Đúng là hạ tầng cơ sở của Việt Nam rất yếu. Đơn cử như hệ thống giao thông vận tải, đường sắt cũ kỹ, đường bộ thiếu đồng bộ, hệ thống đường hàng không tuy không phát triển mạnh trong những năm qua nhưng chỉ ở góc độ chuyên trở dân sự, chưa đóng góp nhiều vào việc vận chuyển hàng hóa.
Chính vì vậy, chúng ta nên tận dụng cơ hội của hiệp định EVFTA để mời gọi các nhà đầu tư vào đóng góp nâng cao hạ tầng cơ sở, đặc biệt là giao thông. Một nền kinh tế sẽ không thể phát triển được nếu như giao thông không được đầu tư phát triển đồng bộ, hiện đại. Ngược lại, hệ thống đường giao thông có cải thiện nhanh chóng thì vận chuyển hàng hóa, thông thương với các nước trên thế giới mới thuận tiện.
Nhiều nhà sản xuất bày tỏ lo ngại sản phẩm hàng hóa nội địa sẽ khó cạnh tranh với hàng hóa của các nước EU nhập khẩu vào Việt Nam? Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Khi nói đến hiệp định thương mại, chúng ta thường nghĩ ngay đến việc Việt Nam sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, nhập khẩu hàng hóa có thể còn phát triển nhanh hơn xuất khẩu hàng hóa, bởi vì khi mở cửa thị trường thì tất cả hàng hóa nước ngoài sẽ tràn ngập vào Việt Nam. Nhất là những hàng hóa châu Âu có chất lượng cao, khi không chịu thuế nhập khẩu thì giá của những hàng hóa này rất cạnh tranh và xâm nhập vào rất thuận lợi. Đây chắc chắn là sự cạnh tranh lớn đối với hàng hóa Việt Nam.
Chẳng hạn như mặt hàng sữa, Việt Nam đang có nhiều sản phẩm tốt như TH, Mộc Châu, Vinamilk…, song các sản phẩm này về mặt chất lượng chưa thể so sánh được với các sản phẩm sữa của các nước châu Âu. Và chưa chắc giá cả sản phẩm sữa trong nước thấp hơn sản phẩm sữa nước ngoài khi thuế nhập khẩu đánh về mức 0%.
Mặt khác, sức tiêu thụ nội địa của Việt Nam còn thấp, trong khi lại tràn ngập các mặt hàng nước ngoài với giá rẻ, chất lượng cao thì các DN Việt Nam phải đối phó hết sức khó khăn.
Xin cảm ơn ông!

"Cơ hội rất có thể bị đánh mất nếu chúng ta chậm trễ thay đổi thể chế hiện tại. Đây là thời điểm chúng ta đồng thời thực thi hai hiệp định CPTPP và EVFTA cũng là thời điểm Việt Nam phải thay đổi mạnh mẽ về vấn đề thể chế, luật lệ, quan hệ lao động…

Tất cả những tuân thủ của Việt Nam phải đáp ứng điều kiện đó, như vậy mới có thể nhanh chóng nắm bắt được cơ hội. Sở dĩ tôi nhắc lại điều này vì những đối tác thương mại EU, sau một thời gian thấy Việt Nam không thể đáp ứng các điều kiện thì chính các nhà đầu tư EU sẽ nhụt chí." - Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu