Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt Nam yên bình qua cọ vẽ của các họa sĩ Cổ Đô

Bài, ảnh: Hồng Hạnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến với Bảo tàng Mĩ thuật Cổ Đô (xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, TP Hà Nội) dịp này, du khách sẽ được thưởng lãm một Việt Nam yên bình với phòng trưng bày “Sắc màu quê hương” quy tụ hơn 300 tác phẩm sơn dầu, khắc gỗ, bột màu… của 32 hội viên Câu lạc bộ (CLB) Mĩ thuật Cổ Đô.

 Trong bối cảnh phong trào mỹ thuật dường như đang đi xuống cùng với nền mỹ thuật đương đại, các họa sỹ Cổ Đô gồm: Trần Hòa, Duy Khôi, Đỗ Sự, Phan Tùng, Trường Yên, Giang Khích, Ngô Bình, Thiểm Huỳnh Mai đã quyết định thành lập CLB Mĩ thuật Cổ Đô vào ngày 16/1 năm nay.
 Đây là lần đầu tiên, mỳ thuật Cổ đô đã qui tụ được 30 hội viên sinh ra và lớn lên ở xã Cổ Đô, trong đó có gần 20 hội viên là thành viên hội Mĩ thuật Việt Nam và TP Hà Nội.
 Sự ra đời của CLB đã chấm dứt thời kỳ mĩ thuật tự phát manh mún ở xã Cổ Đô.
 Ngay sau khi thành lập, CLB đã ra mắt phòng tranh chào xuân Bính Thân 2016 với gần 200 tác phẩm đa dạng về kích thước, thể loại bảo tàng.
 Tiếp đó, tháng 6 năm nay, CLB đã mở lớp học vẽ miễn phí cho các cháu bậc tiểu học với hơn 50 học sinh.
 Điều đáng mừng là các bé vẽ rất đẹp, nhiều bức đã được chọn tham gia cuộc thi vẽ tranh quốc tế tại Nhật Bản.
 Ngày 22/9, CLB cùng UBND xã Cổ Đô tiếp tục khai mạc triển lãm “Sắc màu quê hương” qui tụ gần 300 tác phẩm của 32 tác giả với nội dung phong phú về thể loại, đa dạng về kích thước chất liệu như: Sơn mài, sơn dầu, màu nước, giấy dó, khắc gỗ, tượng đá, tổng hợp…
 Bút pháp được thể hiện sinh động từ những họa sỹ gạo cội “cây đa, cây đề” như họa sĩ Sỹ Tốt, Trần Hòa, đến các họa sĩ nhí vừa được CLB đào tạo dịp hè 2016 vừa qua nhưng đã toát lên vẻ đẹp Việt Nam yên bình với đủ sắc màu quê hương.
 Triển lãm “Sắc màu quê hương” cùng các sự kiện mĩ thuật được tổ chức liên tiếp có qui mô hoành tráng ở làng quê thuần nông với số lượng họa sĩ chuyên và không chuyên tham gia đông đảo không nơi nào có được.
 Họa sĩ Đỗ Sự - Chủ nhiệm CLB Mĩ thuật Cổ Đô cho hay, đã có hàng trăm du khách đến tham quan triển lãm. Trong đó có nhiều đoàn khách người nước ngoài đến tham quan, sưu tầm và mua tranh.
 Cũng theo họa sĩ Đỗ Sự, mục tiêu của CLB là đẩy mạnh sáng tác các thể loại chất liệu, tìm tòi, sáng tạo ngôn ngữ hội họa mới để tạo nên nét độc đáo của làng họa sĩ. Từ đó, đưa mĩ thuật Cổ Đô trở thành thương hiệu khác biệt.
 Cổ Đô là một làng quê thuần nông, xuất hiện cùng thời vua Hùng dựng nước, mang những nét rất đặc trưng của các làng quê vùng trung du Bắc bộ.
 Thuở mới khai sinh, dân làng bám theo phía trong đê để sinh sống. Sau con sông Hồng đổi dòng, nhiều gia đình cư ngụ cả ngoài bãi bồi lâu dần thành xóm đồng, xóm bãi như hiện nay. 
 Bên cạnh những nghề truyền thống như dệt lụa, làm bún... nửa thế kỷ qua, Cổ Đô còn được biết đến là làng hội họa sĩ “độc nhất vô nhị” của Việt Nam và thế giới - làng của những người nông dân cầm cọ vẽ tranh.
 Trong lịch sử, Cổ Đô có nhiều tên khác nhau. 
 Trước đây, làng tên là Cổ Cẩm thuộc huyện Tiên Phong, trấn Sơn Tây; sau đó đổi là Yên Đô (An Đô); những năm kháng chiến chống Pháp, Cổ Đô có tên là Cổ Sắt... 
 Theo nhiều nhà nghiên cứu, Cổ Đô là vùng tụ cư của các cộng đồng người Việt cổ, có nhiều dấu tích văn hóa - lịch sử và hiện vật khảo cổ được chôn cất trong các khu mộ táng có niên đại từ thế kỷ III (TCN) đến thế kỷ I (SCN) như thạp gốm, rìu đồng, các viên gạch có hoa văn hình ô trám...
 Làng Cổ Đô được tôn là đất học, đất khoa bảng với 2 vị thượng thư nổi tiếng thời Lê là Nguyễn Sư Mạnh, Nguyễn Bá Lân.Nguyễn Sư Mạnh là một vị quan thanh liêm, cương trực và là nhà ngoại giao đại tài. Ông được phong là “Lưỡng quốc thượng thư”. Nguyễn Bá Lân là vị quan văn võ song toàn, có công dẹp loạn ở trấn Sơn Tây, Cao Bằng. 
 Hai vị học giả này đã thành tấm gương cho biết bao thế hệ con cháu noi theo, biến cái làng nhỏ bé ven sông thành đất học, đất khoa bảng, đất nghệ thuật. 
 Ngay từ thời bị tạm chiếm, làng đã có người theo học trường Mỹ thuật Đông Dương, nhưng đặc biệt là sau kháng chiến chống Pháp, một lớp đông đảo đã theo học các trường Mỹ thuật Công nghiệp, Mỹ thuật Yết Kiêu và có những cống hiến, trở thành các họa sĩ tên tuổi như Sĩ Tốt, Sĩ Thiết, Trần Hòa, Quang Trung, Giang Khích...
 Các thế hệ họa sĩ của làng đã đóng góp cho nền hội họa Việt Nam nhiều tác phẩm có giá trị và có một số hiện được lưu giữ ở các bảo tàng lớn của Pháp, Đức, Thụy Điển... 
 Không thể giải thích được tại sao ngôi làng nhỏ bé nằm ven sông ấy lại có nhiều họa sĩ đến thế, gần 30 họa sĩ trong đó có hơn 10 người đã được kết nạp là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.
 Đặc biệt vào năm 1994, khi triển lãm tranh đại qui mô mang tên “Tranh làng Cổ Đô” do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức thì làng được khắp nơi biết đến với cái tên “Làng họa sĩ”. 
 Họa sĩ làng Cổ Đô phần lớn đều rất thành công với tác phẩm về mảng đề tài vẽ những người lao động bình dị, làng chài, phong cảnh sơn thủy hữu tình của mảnh đất giàu huyền thoại gắn chặt với truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh, sông Đà, núi Tản... Trẻ nhỏ trong làng cũng đặc biệt tỏ ra có năng khiếu hội họa.
 Những họa sĩ có tâm huyết đang dồn công sức dạy dỗ thế hệ trẻ nối tiếp truyền thống nghệ thuật của làng. Những lớp học vẽ trên triền đê, trên bãi sông trong các buổi chiều hè, ở một xưởng tranh lúc sáng ánh đèn dầu... là hình ảnh khá quen thuộc của làng.